Phát triển cây hồ tiêu đang đúng hướng
Hiệu quả từ cây hồ tiêu
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu của hồ tiêu luôn đạt trên 1 tỷ USD. Điều đó cho thấy, giá trị của cây tiêu mang lại đối với bà con nông dân, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên không hề nhỏ, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Giá hồ tiêu tăng cao giúp bà con nông dân Tây Nguyên đỡ khó khăn |
Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam được coi là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới cả về lượng và chất. Đến nay, cả nước có khoảng trên 70.000ha diện tích hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Năng suất hồ tiêu bình quân khoảng 22 tạ/ha.
Với sản lượng đạt như vậy, cây hồ tiêu Việt Nam được xếp vào loại có năng suất cao nhất thế giới. Dự kiến năm 2015, sản lượng hồ tiêu khoảng 126.000 tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ USD.
Từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước xuất khẩu 93.000 tấn, trị giá xuất khẩu đạt trên 864 triệu USD, tăng 9,6% về trị giá do giá xuất khẩu đạt mức cao. Như vậy, trong 6 tháng còn lại của năm 2015, việc cán đích giá trị xuất khẩu 1,1 tỷ USD là hoàn toàn khả thi.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cả nước hiện có trên 200 DN tham gia xuất khẩu trực tiếp mặt hàng hồ tiêu, trong đó có 30% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tham gia vào hoạt động thu mua xuất khẩu mặt hàng này. Hồ tiêu Việt Nam tập trung xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, Đức, Ả rập Xê út, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ, Ai Cập, Tây Ban Nha, Pakistan…
Trong đó, Ấn Độ là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với hồ tiêu Việt Nam. Năm 2014, thị trường này nhập khẩu trên 8.000 tấn, chiếm trên 90% lượng hồ tiêu nhập khẩu vào nước này.
Hiện giá hồ tiêu trên thị trường đang có lợi cho những người trồng. Thực tế cho thấy, từ cuối tháng 6/2015 đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng cao. Tháng 6/2015 sản lượng xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trên 19.000 tấn các loại, trị giá 183 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và 4,9% về trị giá, so cùng kỳ năm 2014 tăng 20,9% về lượng và 44,9% về trị giá.
Theo các hộ trồng tiêu tại khu vực Tây Nguyên, trong 2 tuần gần đây giá hồ tiêu thu mua tăng khá cao. Giá hạt tiêu đen lập kỷ lục 240.000 đồng/kg, giá hạt tiêu trắng tăng từ 320.000 đồng lên gần 380.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong thời gian qua.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, hiện hồ tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô hoặc chỉ qua sơ chế, nên giá trị đem lại chưa cao. Các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu là hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng chưa xay. Hiện hồ tiêu chưa xay của Việt Nam chiếm 83%, còn tiêu đã xay chiếm 17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Chính yếu tố này đã làm cho giá trị xuất khẩu hồ tiêu thấp, các DN thường bị ép giá.
Theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam thường thấp hơn so với các nước khác. Nguyên nhân là do công nghệ chế biến lạc hậu dẫn đến chất lượng chưa đồng đều. Chính thách thức này vừa qua, Bộ NN&PTNT có định hướng và chủ trương đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến hồ tiêu.
Trong đó, có 14 nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến, cho sản phẩm chất lượng cao. Cùng đó, sẽ tập trung nguồn lực để mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy chế biến tiêu trắng, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng lên 30% vào năm 2020, tỷ lệ tiêu nghiền bột lên 25% năm 2020.
Giám đốc một DN xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ và các nước EU cho biết, nhu cầu đang ngày càng tăng cao đối với các sản phẩm hồ tiêu trắng, tiêu xay. Do đó, đây chính là cơ hội để các DN đầu tư đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ để chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Để làm được điều này, phải có vốn đầu tư rất lớn. Vậy nên, DN rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước về mặt chủ trương và chính sách.
Một yếu tố khác cũng đang khiến ngành nông nghiệp và nhà nông đau đầu đó là do biến đổi khí hậu, dẫn đến thời tiết thất thường, nóng hạn kéo dài khiến cho cây tiêu thất bát trong thời gian gần đây.
Niên vụ 2014-2015 vừa qua được xác định là vụ hồ tiêu thất bát nhất trong hơn 20 năm qua tại Gia Lai cũng như toàn khu vực Tây Nguyên - vùng trọng điểm về trồng hồ tiêu trên cả nước. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy giá tiêu khô tăng cao ngay từ đầu vụ. Đây là nhận định của ông Hoàng Phước Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai).
Theo ông Bình, giá cả tăng cao được coi là tín hiệu vui đối với người trồng tiêu. Tuy nhiên, do yếu tố thời tiết không thuận lợi, năng suất hồ tiêu giảm mạnh đã tác động rất lớn đến hiệu quả kinh tế của “cây trồng triệu phú” này. Đơn cử như hộ ông Mai Quốc Dũng (thị trấn Chư Sê) có 700 trụ tiêu đều ở trong thời kỳ kinh doanh ổn định.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh chết nhanh, chết chậm vào thời điểm cuối mùa mưa năm ngoái, hơn 400 trụ tiêu trong vườn nhà ông Dũng chết trụi chỉ trong một thời gian ngắn. 300 gốc tiêu còn lại cũng bị giảm năng suất.
Để cây tiêu phát triển mang tính bền vững và thật sự trở thành cây chiến lược trong phát triển ngành nông nghiệp, ngoài việc tập trung đầu tư xây nhà máy chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu, chính quyền địa phương cũng như các ngành liên quan cần có chính sách, giải pháp phù hợp để quy hoạch, nhân rộng diện tích.