Phát triển đô thị: Tư nhân vào cuộc
Chiến lược “vết dầu loang”
Bây giờ, với một khu đô thị rộng mênh mông tới vài trăm héc-ta, điều khách hàng quan tâm là hệ thống hạ tầng, đường sá, điện nước tại đây liệu có đảm bảo cho cuộc sống của họ, kèm theo đó là các vấn đề về an ninh, an toàn... Vậy mà chủ đầu tư Khang Điền đã làm được điều mà ít ai ngờ tới là kéo được người dân về ở 100% trong chuỗi dự án Mega, nơi người ta vẫn gọi là “hẻo lánh”, mặc dù chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 12 km.
Theo ông Nguyễn Đình Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Khang Điền, để làm được điều đó, họ đã hoàn tất thi công đường giao thông trục chính vào dự án; xây dựng cổng chào, các điểm nhấn cảnh quan, trồng cây xanh, kè hồ, dịch vụ... rồi mới bán nhà cho khách hàng. Và chiến lược kéo dân cư khu trung tâm về ở nơi xa vắng xem ra có vẻ hợp lý với Dự án Mega của Khang Điền.
TP. Hồ Chí Minh sẽ phát triển đồng bộ về nhiều hướng |
Đây cũng là cách làm mà Đại Quang Minh đang thực hiện để tạo ra sức sống mới cho Khu đô thị mới Sala (Thủ Thiêm, quận 2). Với tiềm lực mạnh, Đại Quang Minh đổ hơn 7.000 tỷ đồng (tính đến tháng 5/2015) để thay mới hạ tầng cho toàn thể dự án.
Cụ thể, công ty xây dựng mới hoàn toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật- giao thông nội khu của Thủ Thiêm để kết nối giao thông với Khu Trung tâm hiện hữu bằng cầu Thủ Thiêm 1 và tuyến Đại lộ Đông Tây- hầm Thủ Thiêm. Các dự án đang thi công gồm: 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; dự án cầu Thủ Thiêm 2 kết nối Thủ Thiêm với Trung tâm hiện hữu quận 1; Dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông; Dự án cầu đi bộ kết nối từ Quảng trường trung tâm của Thủ Thiêm với Công trường Mê Linh (quận 1).
Gần đây nhất, Công ty Đại Quang Minh đã được Thủ tướng và UBND thành phố chấp thuận làm nhà đầu tư dự án Khu Lâm viên sinh thái thuộc vùng châu thổ phía Nam với diện tích 128 ha.
Điều đó lý giải vì sao mới chỉ công bố vào tháng 5/2015, nhưng Dự án Sala tại Thủ Thiêm của Đại Quang Minh đã trở thành cái tên quen thuộc với người dân và giới đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh bởi giá trị hạ tầng mà chủ đầu tư này mang lại.
Dù không đứng ra trực tiếp đầu tư hạ tầng, nhưng câu chuyện LienVietPostBank tham gia khá sâu vào hình thức đầu tư hạ tầng khi phối hợp với Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cũng được hiểu là bước đi của Tập đoàn Him Lam. Ngoài ra, các tên tuổi lớn như Bình Thiên An, VinGroup, Tập đoàn 5 Sao… cũng đã có những khoản đầu tư kếch xù vào hình thành hạ tầng mới, nên giá nhà đất của những DN này dù đắt vẫn được người dân đón nhận nhiệt tình.
Không chờ đợi!
Theo ông Trần Bá Dương, Tổng giám đốc Đại Quang Minh, những chuyển động trên thị trường BĐS không chỉ tạo ra cơ hội cho DN kinh doanh mà còn góp phần phát triển đô thị đồng bộ. Do vậy, câu chuyện đầu tư hạ tầng không phải là xu hướng mà đó là chiến lược để đánh giá DN. “Chỉ có đi cùng với hạ tầng, bộ mặt đô thị mới có thể thay da đổi thịt, hiện đại và ấn tượng hơn. Do đó, DN phải xác định được giá trị đầu tư tổng thể”, ông Dương chia sẻ.
Cùng quan điểm, lãnh đạo của Bình Thiên An chia sẻ, cách đây 15 năm, Phố Đông của Thượng Hải thậm chí không thể sánh bằng một góc Bình Chánh bây giờ. Nhưng nay, Phố Đông đã trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới nhờ có được bài toán quy hoạch chuẩn mực, bài bản và nghiêm khắc. Và nay, mô hình quy hoạch này cũng đang được Việt Nam tham khảo và áp dụng linh hoạt với mục đích biến dự án của mình thành một phần phát triển đô thị.
Đánh giá về chiến lược thông minh của các DN BĐS khi tham gia đầu tư hạ tầng, bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, chính sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ về hạ tầng thời gian gần đây tạo ra giá trị cho chủ đầu tư.
Với đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh về nhiều hướng, sẽ mở ra không ít cơ hội đầu tư. Cụ thể, thành phố không chỉ phát triển hướng Đông-Đông Bắc với quận 2, 9, Thủ Đức, mà thời gian qua còn tập trung về hướng Bắc với quận 12, Hóc Môn, Củ Chi có quỹ đất lên đến 10.000 ha.
“Nếu khu A- Phú Mỹ Hưng có 350 ha khai thác 20 năm nay vẫn chưa hết, thì 10.000 ha này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho DN biết hoạch định hạ tầng”, ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nói.
Chưa kể, hướng Tây thành phố là khu vực thu hút một lượng lớn lao động nhập cư. Trong khi đó, lại chưa được đầu tư đúng mức về hạ tầng cơ sở và chưa hẳn là hướng ưu tiên của thành phố trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cửa ngõ phía Tây của thành phố (quận 6, Bình Tân…) là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy, khu công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh và người dân có nhu cầu về nhà ở khá lớn.
Rõ ràng, với các hoạch định của thành phố, cùng nhiều NH và tổ chức tài chính còn sẵn sàng đàm phán cho tái cơ cấu nợ, giảm bớt lãi suất xuống thấp hơn nhiều so với cam kết ban đầu… là điều kiện để các DN BĐS xem xét đầu tư các dự án, đầu tư hạ tầng, định hình thương hiệu…
Ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin Quy hoạch Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nhận định, cơ hội để DN BĐS trở thành đầu ngành không khó vì đồ án quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt đã vạch khá rõ nét chiến lược phát triển của thành phố. Chẳng hạn, một trong 3 đề án của thành phố là thành phố đa trung tâm. Một trong những trung tâm mới cấp thành phố khá thành công là Khu A Phú Mỹ Hưng (quận 7). Bên cạnh đó còn có thêm 3 trung tâm khác ở huyện Bình Chánh, phía Bắc thành phố - thuộc Khu đô thị Tây bắc và quận 9 vẫn chưa được khai thác hết và chưa thực sự đồng bộ. Những trung tâm này phát triển theo hướng đa chức năng với đầy đủ các dịch vụ tạo nên những đô thị lớn-nhỏ, phát triển cùng với thành phố. |