Phát triển nhờ chiến lược thông minh
Bán lẻ ngoại chiếm lĩnh thị trường | |
Nâng chất để cung ứng cho các nhà bán lẻ ngoại |
Tổng Cục Thống kê đánh giá, sức mua trong 7 tháng tăng cao, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Những con số biết nói trên khiến Việt Nam được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và xếp thứ 6 về Chỉ số Phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2017.
Aeon luôn có đủ lượng hàng hóa phục vụ khách hàng |
Nhiều chuyên gia nhận định, với quy mô dân số hơn 90 triệu người cùng tốc độ tăng trưởng luôn đạt hai con số là yếu tố biến thị trường Việt Nam thành nơi hội tụ của nhiều tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như: Aeon, Lotte Mart, Berli Jucker, Auchan, Big C… Vì lẽ đó, để tồn tại và phát triển, mỗi DN đều tự tìm cho mình một chiến thuật riêng.
Thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam sớm nhất, Aeon - Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản khai trương Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) với tổng số vốn đầu tư hơn 13 tỷ Yên. Tuy nhiên, trong khoảng 2-3 năm qua, DN FDI này vẫn đang thăm dò và hiệu chỉnh mô hình. Bài học nhãn tiền từ nhiều tượng đài bán lẻ đã “ngã ngựa” chỉ vì không bắt kịp với những thay đổi trong hành vi và thói quen của khách hàng mục tiêu.
Trong thời gian này, Công ty TNHH Aeon Mall đã kịp tổ chức lễ động thổ dự án AEON Mall Hà Đông (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) là dự án trung tâm thương mại thứ 2 của DN này tại Hà Nội và là trung tâm thương mại thứ 5 tại Việt Nam.
Tham vọng sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, trong khi nguồn cung bán lẻ ngày một tới hạn, Aeon tính đến việc mở trung tâm thương mại lớn ở cả 3 miền thông qua chiến lược tìm đối tác có chung tầm nhìn và dự báo tốt về địa điểm nào sẽ “hút” khách, xu hướng đầu tư và thị hiếu người tiêu dùng để có thể “mở toang” ngay thị trường tại đó, ông Iwamura Yasutsugu, Tổng giám đốc Aeon Mall chia sẻ.
Theo đánh giá của bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng thú vị và hấp dẫn dù chưa thấy sự xuất hiện thêm các thương hiệu mới nhưng thị trường vẫn đang chứng kiến việc âm thầm mở thêm điểm bán, tăng độ phủ để cạnh tranh của các nhà bán lẻ nước ngoài hiện hữu như Aeon, Lotte, Auchan, Big C...
Giờ là lúc Aeon khai phá mọi ngõ ngách thị trường Việt Nam như là cách để thúc đẩy tăng trưởng mới, trong bối cảnh thị trường nội địa Nhật đang đạt đến điểm bão hòa do dân số già hóa.
Ngoài việc nhập khẩu hàng hóa từ các thương hiệu chất lượng cao của Nhật được nhiều người Việt Nam biết đến, tập đoàn bán lẻ này tập trung phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng theo tiêu chuẩn và chất lượng Nhật Bản, nhưng được thực hiện bởi các công ty Việt Nam nhằm cung cấp riêng cho người tiêu dùng Việt Nam.
Cụ thể, Aeon ra mắt nhiều sản phẩm thương hiệu TopValu sản xuất tại Việt Nam, như khô cá ngừ đại dương, các loại nước ép. Các loại sản phẩm liên quan đến hóa phẩm như nước rửa chén, nước lau sàn… Từ ngày 30/7 (thứ Hai), Aeon Topvalu Việt Nam sẽ tổ chức “Topvalu Fair” tại tất cả 4 cửa hàng Aeon tại Việt Nam.
Chiến lược thương hiệu riêng từng được Aeon áp dụng thành công lần đầu ở Malaysia, sau đó tiếp tục mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam. Bằng cách tập trung khai thác văn hóa và thị hiếu của người Việt: giải “cơn khát” hàng Nhật - giá rẻ, vừa tận dụng triệt để lợi thế thuế quan trong ASEAN đã được hạ xuống gần như bằng 0, Aeon kỳ vọng chẳng những trụ lại và phát triển tại thị trường này mà còn tăng doanh thu 60%, ông Yasuo Nishitoghe, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam nhấn mạnh.
Nhãn hàng riêng từng giúp Aeon thành công tại Nhật Bản, Malaysia. Liệu vận may có tiếp tục mỉm cười với Aeon?