Phát triển thị trường vốn: Giảm gánh nặng cho hệ thống NH
Hệ thống NH Việt Nam đang phải chịu gánh nặng rất lớn để thực hiện vai trò cung cấp vốn cho nền kinh tế. Khi mà phát triển thị trường vốn nhưng chủ yếu vẫn dựa vào vốn NH, điều này đặt ra thách thức cho hệ thống NH trong việc cân đối nguồn vốn ngắn hạn cho các nhu cầu phát triển dài hạn.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã nêu lên khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam trong phát triển thị trường vốn chuyên nghiệp. Đây là một trong các chủ đề chính được thảo luận tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam toàn cầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Euromoney tổ chức ngày 30/9.
Để phát triển thị trường TPDN, điều quan trọng là nhận thức của DN |
NH còn nặng gánh
Theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho đến thời điểm hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu tính cả trái phiếu Chính phủ (TPCP) và trái phiếu DN (TPDN) chiếm khoảng 25% GDP. Tuy nhiên riêng TPDN chỉ chiếm khoảng 3% GDP. Khi so sánh với các quốc gia cùng khu vực Asean, diện mạo trên đã cho thấy vì sao thị trường vốn của Việt Nam còn kém phát triển.
Thực tế, nhu cầu vốn của thị trường Việt Nam không phải quá nhỏ, song điểm bất hợp lý là TPCP hiện vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Để phát triển thị trường vốn một cách chuyên nghiệp, theo bà Hồng: các cơ quan quản lý cần quan tâm đúng nghĩa tới việc phát triển thị trường vốn bằng các cơ chế, chính sách hợp lý.
Thị trường TPDN, TPCP cần được quan tâm phát triển, chuyên nghiệp hoá để thị trường vốn trong tương lai sẽ có nhiều phân đoạn thị trường hơn. Khi đó NH sẽ đảm đương nguồn vốn ngắn hạn là chủ yếu, từ đó sẽ giúp NH cân đối vốn lành mạnh và hiệu quả hơn.
Ông Kiyoshi Nishimura, TGĐ Quỹ bảo đảm tín dụng và đầu tư, thuộc NH Phát triển châu Á (ADB) cho biết, thị trường TPDN ở nhiều quốc gia Asean đã phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 10-12%/năm, còn Việt Nam thì khá trì trệ, thậm chí còn bị thu hẹp lại.
Ở Asean, thị trường TPDN lớn nhất là Malaysia, đạt quy mô 120 tỷ USD vào giữa năm nay, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng. Xét trên quy mô so với GDP thì thị trường TPDN của Malaysia tương ứng 40% GDP, trong khi của Việt Nam chỉ khoảng 3%. Như vậy điều Việt Nam cần là phát triển thị trường TPDN lớn mạnh và chuyên nghiệp.
Ông Nishimura phân tích, TPDN là nguồn cung cấp khoản tài chính đầu tư dài hạn với mức lãi suất phù hợp cho các DN. Các DN cũng có thể có nguồn tài chính bằng cách đi vay NH, nhưng kỳ hạn rất hạn chế, với mức lãi suất khó phù hợp với nhu cầu đầu tư dài hạn. Nhưng với trái phiếu thì kỳ hạn dài hơn, nguồn tài trợ với lãi suất cố định, có lợi thế hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Chính phủ đang quyết liệt vượt thách thức Dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế suy giảm nhưng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6%/năm, theo hướng tăng dần qua từng năm. 9 tháng đầu năm 2015, GDP đã tăng trưởng 6,5%, dự kiến cả năm sẽ cao hơn mức này. Đây là mức tăng cao nhất của Việt Nam từ năm 2011 đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục và khá cao trong giai đoạn này. Theo báo cáo của NH Thế giới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ 2 thế giới trong suốt 20 năm qua, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng tăng, kết cấu hạ tầng xã hội được hoàn thiện, an sinh xã hội không ngừng cải thiện… Đây đều là những thành quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Nền kinh tế đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát thấp. GDP mục tiêu ở mức 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Kim ngạch thương mại tăng bình quân 12-15%/năm. Tới năm 2020 dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều đạt khoảng 600 tỷ USD, đời sống người dân nâng lên, sức mua và quy mô thị trường ngày càng tăng. Tổng vốn FDI tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD với hơn 19.000 dự án đang hoạt động của các NĐT đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2015 lượng vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ. Nhiều tập đoàn đến từ châu Âu đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) vào cuối năm 2015. Việt Nam sẽ ký 8 FTA, và đầu năm 2015 đã ký các FTA với Hàn Quốc, Liên minh Á - Âu. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trong Asean đàm phán và dự kiến ký kết FTA với EU vào cuối năm 2015, đến nay đã cơ bản kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác TPP. Theo đó các FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác gồm tất cả thành viên nhóm G7 và 15 thành viên G20. Lược trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn |
Cần chuyên nghiệp các phân đoạn khác
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các phân đoạn của thị trường tài chính càng phát triển sẽ càng giúp chuyển tải chính sách tốt hơn. Thời gian tới đối với thị trường TPDN ngoài NHNN và Bộ Tài chính cũng cần sự tham gia của các thành viên trong thị trường. Bà Hồng hy vọng các cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ có nghiên cứu và đề xuất để thị trường phát triển được với các tiêu chuẩn, có đường cong lãi suất.
Đối với thị trường TPCP phải đa dạng hoá để người mua không chỉ tập trung vào các TCTD. Còn đối với thị trường TPDN, muốn phát triển được, theo bà Hồng, vai trò các DN là vô cùng quan trọng. Muốn hấp dẫn NĐT nước ngoài và trong nước thì bản thân các DN phải có sự cố gắng trong việc nâng cao năng lực của mình. Về phía cơ quan Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để hoàn thiện thị trường TPDN.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đồng tình và cho rằng, ngoài tái cấu trúc, để phát triển thị trường TPDN, điều quan trọng là nhận thức của DN, làm sao DN có thể am hiểu về thị trường tài chính, ngoài sử dụng kênh huy động vốn truyền thống thì có thêm kênh thị trường chứng khoán, phát hành TPDN. Về phía cơ quan quản lý, ông Long cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống, tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển thị trường TPDN.
Đánh giá về vai trò sự hiện diện của các TCTD nước ngoài ở Việt Nam và sự mở cửa của Chính phủ đối với NĐT nước ngoài trong lĩnh vực NH, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, cùng với quá trình hội nhập và mở cửa của nền kinh tế thì hệ thống NH đã tham gia tích cực với quá trình hội nhập, nhất là từ khi Việt Nam tham gia WTO.
Hệ thống NH đã có sự hiện diện của NĐT nước ngoài dưới hình thức NH 100% vốn nước ngoài (5 NH), NH liên doanh (4 NH), chi nhánh NH nước ngoài (51 chi nhánh). Việc mở cửa và cho phép NĐT nước ngoài tham gia đã góp phần tích cực vào sự phát triển chung của hệ thống.
Các NH nước ngoài cũng tiên phong trong cải tiến khoa học kỹ thuật, phát triển các dịch vụ tài chính mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tổ chức cá nhân trong nước. Với quy định hiện nay thì Chính phủ đã cho phép các NĐT nước ngoài tham gia vào các NH Việt Nam với tỷ lệ sở hữu giới hạn.
Song bà Hồng khẳng định, hiện nay NHNN cũng đang tích cực triển khai tái cơ cấu hệ thống TCTD, Chính phủ rất khuyến khích các NĐT tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém, trường hợp đó Chính phủ có thể cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn.