Quản trị doanh Nghiệp: Phải tự “lớn lên”
Cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới của quản trị DN | |
Loay hoay với quản trị công ty | |
Đẩy mạnh quản trị theo chuẩn mực quốc tế |
Trong những năm vừa qua cơn sốt thị trường BĐS đã khiến cho không ít DN BĐS rơi vào phá sản, sống dở chết dở và nhiều DN đã phải rời bỏ thị trường do không còn khả năng phục hồi. Nhiều dự án đến nay vẫn còn nằm trong hiện trạng “đắp chiếu” vì chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để tiếp tục xây dựng.
Số liệu thống kê của Hiệp hội BĐS TP. HCM (Horea) cho thấy, toàn thành phố hiện có 1.409 dự án, nhưng trong đó, đã có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư do bị “ngâm” quá lâu trong thời gian dài.
Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, lại có đến 405 dự án chưa khởi công; trong số 325 dự án khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Như vậy, số lượng các dự án bị thu hồi, bị tạm ngưng thi công và chưa khởi công đã lên đến 692, chiếm 49,1% tổng số dự án. Đây là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho, cũng như phản ánh một thực tế về việc phát triển lệch pha, thiếu tầm nhìn của không ít DN trên thị trường BĐS.
Ảnh minh họa |
Từ vấn đề này, một chuyên gia về quản trị DN (QTDN) của Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho biết, BĐS là lĩnh vực và loại hàng hóa mang tính đặc thù. Thực tế có đến 70% DN gặp thất bại trong kinh doanh là do QTDN yếu kém, còn lại là do tác động từ yếu tố khách quan như khủng hoảng kinh tế.
Trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình về QTDN như mô hình Balanced scorecard, 5S, TQM... Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, thì phải áp dụng được hình thức quản lý phù hợp với tình hình thực tế, thị trường cũng như điều kiện của chính DN.
Nhiều DN BĐS trong nước là DNNVV, có những DN quy mô và hình thức theo kiểu gia đình, thậm chí không ít DN kinh doanh theo phong trào, kiểu “tay ngang”.
Tuy nhiên, đây chính là những DN dễ bị đào thải trước tiên bởi hoạt động manh mún, tự phát, không có chiến lược, phương án kinh doanh, quản trị rủi ro, cũng như sử dụng vốn vay quá nhiều trong khi không đoán định được xu hướng thay đổi của thị trường và biến động của lãi suất.
Ngược lại, những DN, tập đoàn BĐS lớn của Việt Nam như Vingroup, Novaland, Nam Long, Hưng Thịnh, Khang Điền... đều đặt QTDN lên hàng đầu.
Đơn cử mới đây, Novaland hợp tác với FMIT đào tạo quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ chuẩn quốc tế COSO, nhằm hướng đến đầu tư và phát triển BĐS một cách bài bản, chuyên nghiệp. Với định hướng trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu trong bối cảnh hội nhập, nhu cầu cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ ngày càng được Novaland chú trọng. Đây chính là một bước tiến mới trong chiến lược xây dựng và kiện toàn hệ thống quản lý của Novaland, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho tập đoàn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea nhận định, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều DN, tập đoàn quốc tế lớn với tiềm lực tài chính mạnh và vốn kinh nghiệm lâu năm trên thương trường sẽ tham gia thị trường BĐS Việt Nam. Điều này đòi hỏi các DN trong nước phải tự “lớn lên”, hoàn thiện bản thân về nhiều mặt từ năng lực, bộ máy QTDN chuyên nghiệp, có hoạch định và tầm nhìn chiến lược một cách bài bản, lâu dài...
Như vậy, khi mỗi DN lớn mạnh, thị trường mới phát triển bền vững, có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ nước ngoài bằng chính năng lực nội tại.