Quy tắc xuất xứ: Nhiều trở ngại cho DN xuất khẩu
Kiểm tra chặt xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩu | |
Đừng xem thường quy tắc xuất xứ |
Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2016. Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đã góp phần đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các ưu đãi về thuế trong các FTA Việt Nam đã ký kết khi áp dụng là rất lớn. Việc tận dụng tốt các ưu đãi này sẽ giúp các DN trong nước có nhiều thuận lợi trong phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, việc các DN Việt chủ động trong hội nhập vẫn còn yếu.
Theo thống kê, hiện nay chỉ có khoảng 30% DN Việt Nam tận dụng được ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia mang lại. Một trong những nguyên nhân chính là việc chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ của một hiệp định thương mại tự do mới có thể hưởng các mức thuế suất ưu đãi của FTA đó.
Và như thế có thể thấy, để tận dụng các cơ hội xuất nhập khẩu với những ưu đãi thuế thì buộc các DN phải có những chiến lược dài hạn để đáp ứng các yêu cầu trong quy định của các hiệp định. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần phải nâng cao năng lực hiểu biết và thực hiện theo đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các FTA.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mỗi FTA đều có những quy định về xuất xứ hàng hóa riêng. Ví như, để hưởng thuế quan ưu đãi thì các mặt hàng xuất khẩu như dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ là nguyên liệu từ sợi trở đi phải nhập của các nước tham gia TPP hoặc tự sản xuất.
Hoặc với Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) thì cho áp dụng quy định cộng gộp xuất xứ, cho phép các nhà xuất khẩu của Việt Nam được sử dụng vải từ một nước thứ 3 có ký kết FTA với Việt Nam và EU…
Bởi vậy, DN xuất khẩu phải chủ động tìm hiểu nhà nhập khẩu thuộc quốc gia nào và phải hiểu rõ, cũng như tuân thủ những quy tắc này xuất xứ của quốc gia đó để tận dụng các ưu đãi trong các FTA.
Hiện nay, EU đang là thị trường lớn đối với các DN xuất khẩu của Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may, da giày.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU cũng như tỷ trọng hàng dệt may nhập khẩu vào EU cũng còn thấp so với tiềm năng. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2017 đạt 14,58 tỷ USD (tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016), thì riêng tại thị trường EU, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 8%.
Thời gian qua, việc xuất khẩu hàng dệt may vào EU còn khó khăn do đây là thị trường khó tính, số lượng đơn hàng nhỏ. Do đó việc ký kết EVFTA đã tạo thêm điều kiện giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này. Tuy nhiên, việc tận dụng các quy tắc ưu đãi xuất xứ là không dễ dàng đối với ngành dệt may bởi hiện tại, các DN dệt may phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong đó, có tới 42% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là một số nước như Hàn Quốc, các nước ASEAN…
Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho rằng, đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xoá bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, nhưng DN Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ đối với vấn đề này.
Mặt khác, một số quy tắc xuất xứ trong FTA còn chặt mà DN chưa đáp ứng được. Năm 2016, phía EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng nhập khẩu… Chính vì thế, các DN cần chú ý đảm bảo đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để tránh bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, các nước trong EU áp dụng thuế suất và chính sách xuất nhập khẩu về hàng hoá chung, nhưng mỗi nước lại có những đặc điểm riêng biệt. Vì vậy, các DN xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu cần nghiên cứu thông tin để nắm được đặc điểm riêng từng thị trường nhằm đảm bảo cho thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu.
Trên thực tế, nhiều DN đang lo ngại tính phức tạp của quy định này, thậm chí chưa nắm rõ các tiêu chí, điều kiện để được hưởng lợi. Để giải quyết vấn đề này, các DN cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch, điều chỉnh chuỗi cung ứng, nguồn nguyên vật liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ.
Đồng thời, chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức. Việc xây dựng kế hoạch đáp ứng các yêu cầu xuất xứ để tận dụng các ưu đãi FTA sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh đẩy mạnh xuất khẩu.