Quyết liệt hơn trong tái cơ cấu kinh tế
Cung ứng tiền mặt trước và trong Tết được bảo đảm |
Thị trường tiền tệ ổn định
Những chỉ số kinh tế - xã hội được thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017 do Văn phòng Chính phủ tổ chức cuối tuần qua đã mang đến những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm 2017.
Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2017. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đó là, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng nhẹ (0,7%) do nghỉ Tết Nguyên đán năm nay chủ yếu trong tháng 1/2017. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2017 tăng khoảng 9,9%. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng tăng khá, đạt hơn 1 triệu lượt khách, tăng 12,3%. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2017 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6%. Kim ngạch nhập khẩu tháng 1/2017 ước đạt 14,7 tỷ USD, tăng 15,8%.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mặc dù là tháng Tết song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2017 tăng thấp, chỉ 0,46%. Điều đó chứng tỏ không xảy ra khan hiếm hàng hóa và không xuất hiện tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Về tiền tệ, tín dụng, tháng 1 mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản được giữ ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,7% so với tháng 12/2016. Cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá.
“Trong dịp Tết vừa qua thị trường vàng và ngoại tệ khá ổn định, người dân chỉ mua vàng để lấy may chứ không mang tính chất đầu cơ, tích trữ” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết, các dịch vụ tài chính, NH, cung ứng tiền mặt trước, trong và sau Tết được bảo đảm.
Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1/2017 ước đạt 850 triệu USD, tăng 6,3%. Đặc biệt trong tháng 1/2017, có gần 9.000 DN thành lập mới, tăng 8,1% về số DN và 52,3% về vốn đăng ký và gần 5.600 DN hoạt động trở lại. Trong 15 ngày đầu tháng 1/2017, thu NSNN ước đạt 18,41 nghìn tỷ đồng, bằng 1,5% dự toán năm...
Đôn đốc triển khai các công việc sau kỳ nghỉ Tết
Để tránh tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc và thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Phải chấn chỉnh ngay các hoạt động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; những biểu hiện không lành mạnh trong lễ hội; tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội, du Xuân. Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội. Kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.
“Bất cứ một cán bộ công chức nào mà trong giờ hành chính đi lễ hội. Bất cứ cơ quan nào dùng xe công đi lễ hội đều phải xử lý nghiêm. Tôi đề nghị các đồng chí kiểm tra, giám sát. Đề nghị báo chí giám sát mạnh mẽ việc này”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành chức năng theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước; chủ động, linh hoạt trong phản ứng chính sách; nghiên cứu, phân tích, đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả với những kịch bản diễn biến tình hình.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Quyết tâm hành động; nói đi đôi với làm; tăng cường kỷ luật kỷ cương; nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2017.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; bảo đảm chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, cân đối thu-chi, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm. Tranh thủ thời tiết tương đối thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là sản xuất nông nghiệp vụ Đông-Xuân; chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp; tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng hơn nữa cổ phần hóa DNNN, không để tình trạng cổ phần hóa đạt tỷ lệ thấp.
“Chủ trương cổ phần hóa DNNN năm nay khác với mọi năm ở chỗ tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là phải quyết liệt cổ phần hóa. Hiện nay số DN cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Từ tinh thần đấy, về nguyên tắc sau khi DN cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán, đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu DN cổ phần hóa không lên sàn thì yêu cầu các cơ quan bộ, ngành xem xét đánh giá người đứng đầu tập đoàn, DNNN”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm.