Sai phạm trong khai thác khoáng sản
Loạn khai thác khoáng sản | |
Minh bạch hóa quản lý hoạt động khoáng sản |
Khai thác sai giấy phép
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, có một số loại khoáng sản phổ biến như: đá, đất đồi dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình, cát, sỏi sử dụng nhiều trong xây dựng. Những năm gần đây, do nhu cầu trên thị trường tăng cao, nhiều điểm khai thác mỏ đã được chính quyền cấp phép. Thế nhưng, đến nay việc khai thác tài nguyên khoáng sản ở địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, thất thu thuế, gây bức xúc dư luận.
Đà Nẵng đang tích cực chấn chỉnh công tác quản lý khai thác khoáng sản |
Đến nay, trên địa bàn thành phố có đến hàng chục DN được cấp phép khai thác khoáng sản, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Hòa Vang quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Các DN chủ yếu khai thác đá, đất đồi và cát sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng ngay tại địa phương.
Mới đây, qua công tác kiểm tra các cơ quan chức năng của TP. Đà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn. Nổi lên là tình trạng DN khai thác sai giấy phép, khi cố tình khai thác vượt ra ngoài diện tích được cấp phép. Có thể kể ra nhiều DN đã “lỡ” khai thác vượt diện tích, khối lượng được cấp phép. Đó là trường hợp CTCP Khai thác khoáng sản Hòa Vang khai thác ra ngoài diện tích quy định 0,52ha, khối lượng 36.720m3, tại mỏ đất đồi Phú Hạ.
Công ty TNHH Phúc Đặng khai thác diện tích vượt ra ngoài 2,1ha, khối lượng 303.314m3 tại mỏ đất đồi Thạch Nham Đông. DN Huỳnh Đức May khai thác mỏ đá Hố Sâu ra ngoài diện tích cấp phép 0,52ha, khối lượng 44.691m3... Được biết, Sở Tài nguyên Môi trường đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng xử phạt DN có những sai phạm, khi khai thác vượt ra ngoài ranh giới được phép.
Bên cạnh tình trạng khai thác “quá tay”, các lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều DN khai thác thực hiện chưa đúng quy trình khai thác khoáng sản. Đó là việc DN chưa thực hiện cắt tầng khai thác, bạt mái taluy theo thiết kế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đơn cử như trường hợp, Công ty Khoáng sản và đầu tư VISACO, khai thác tại mỏ đá Sơn Phước nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang chưa thực hiện đúng thiết kế mỏ, chưa cắt tầng khai thác bảo đảm an toàn để khai thác. Đặc biệt, xung quanh những sai phạm trong công tác khai thác khoáng sản ở Đà Nẵng còn có tình trạng DN khai thác khoáng sản “mất tích”, không phục hồi môi trường sau khi khai thác.
Theo đó, sau khi khai thác xong khoáng sản, một số DN đã không thực hiện công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường, hoặc làm cho có, để đối phó cơ quan chức năng. Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng, vấn đề khó khăn trong phục hồi môi trường hiện nay là một số DN khai thác khoáng sản không còn tồn tại, một số tỏ ra chây ì.
Trong khi, quy định ký quỹ phục hồi môi trường thấp chỉ 500 triệu đồng/giấy phép. Số tiền ký quỹ này sẽ không đủ để dùng vào việc phục hồi môi trường, khi DN khai thác đã bỏ trốn. Ngoài ra, một số DN chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, phí bảo vệ môi trường, thuế đất…
“Siết” công tác quản lý
Ngoài những vi phạm trong khai thác khoáng sản tại các mỏ, việc vận chuyển khoáng sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) và môi trường... gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, tình trạng này còn có chiều hướng diễn biến phức tạp, khi có một số đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, ký hợp đồng với các DN để tận thu các loại khoáng sản trong khu vực đất quân đội quản lý...
Để xảy ra nhiều sai phạm trong khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nhưng, trong đó nổi lên là công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản còn bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế...
Theo đó, ngay ở khâu thẩm định hồ sơ chưa xem xét kỹ tính thực tế, khả thi của các giải pháp xử lý môi trường do DN đưa ra, dẫn đến khó thực hiện trong thực tế. Trong quá trình DN tổ chức khai thác, cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra mốc giới khu vực được cấp phép khai thác. Từ đó, không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hành vi khai thác ngoài diện tích giấy phép. Ngoài ra, còn có hiện tượng “ngó lơ” để DN tự tung, tự tác trong khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Trước nhiều bất cập trong công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, gây bức xúc dư luận, chính quyền TP. Đà Nẵng đang “siết” chặt công tác quản lý, với nhiều biện pháp “mạnh tay”. Tại buổi họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện về công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu, cần phải thanh tra, kiểm tra lại các mỏ đất, kể cả những mỏ đã đóng cửa, từ đó truy thu khối lượng DN khai thác sai phép.
Đồng thời, phê bình, kiểm điểm, thậm chí luân chuyển những cán bộ quản lý khoáng sản lỏng lẻo. Đối với công tác cấp phép, trong thời gian tới cũng phải thực hiện đúng quy trình, có sự ràng buộc để DN có nghĩa vụ hơn với môi trường. Bên cạnh, UBND TP. Đà Nẵng cũng ra “tối hậu thư” cho các DN vận tải khoáng sản nếu tiếp tục để xảy ra các vi phạm sẽ xem xét tạm dừng hoạt động từ 6 - 12 tháng hoặc thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ký 2 công văn yêu cầu 2 mỏ đá Hòa Phát và Phước Lý phải đóng cửa, hoàn thổ môi trường trước khi di dời đến nơi mới. Quyết định trên đã được đông đảo người dân đồng tình trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, mất ATGT xung quanh khu vực các mỏ đá hoạt động.
Bên cạnh, các biện pháp hành chính, được biết UBND TP. Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương cho phép cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất mua máy bay không người lái UAV có gắn camera ghi hình để giám sát việc khai thác khoáng sản... Đây là những động thái quyết liệt của chính quyền Đà Nẵng, nhằm đối phó với những bất cập trong công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn.