Sản xuất vàng miếng và “hoạt động in, đúc tiền”: Thuộc diện cấm đầu tư, kinh doanh
Chính sách quản lý vàng: Khó có chuyện “đập đi xây lại” | |
NHNN tiếp tục có CSTT, ngoại hối, quản lý vàng hiệu quả | |
Hoàn thiện cơ chế quản lý vàng |
Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đang được lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bỏ tới 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư 2014 ra khỏi danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đáng chú ý trong danh sách 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện dự kiến bãi bỏ có: Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của NHNN (cửa kho tiền); và hoạt động in, đúc tiền.
Thế nhưng các chuyên gia pháp chế ngân hàng đã không đồng tình với quy định này và đề nghị bổ sung phụ lục danh mục mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh vào dự thảo, trong đó quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm “hoạt động sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng” và “hoạt động in, đúc tiền”.
Lý do được đưa ra là Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”. Theo đó, đây là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện, không phải ngành nghề được đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, Luật NHNN Việt Nam cũng quy định: “NHNN tổ chức thực hiện việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền vào lưu thông, tiêu hủy tiền”. Nghị định số 40/2012/NĐ-CP ngày 2/5/2012 về nghiệp vụ phát hành tiền; bảo quản, vận chuyển tài sản quý và giấy tờ có giá trong hệ thống NHNN, TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng quy định: “NHNN tổ chức việc in, đúc tiền theo nguyên tắc: Việc in, đúc tiền được thực hiện theo hợp đồng giữa NHNN và các cơ sở in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền và tiêu chuẩn kỹ thuật từng loại tiền do Thống đốc NHNN quy định”.
Theo các quy định trên, hoạt động in, đúc tiền là hoạt động do Nhà nước độc quyền thực hiện và là hoạt động nghiệp vụ của NHNN Việt Nam. Hiện nay, việc in, đúc các loại tiền giấy, tiền kim loại và các loại giấy tờ có giá được thực hiện bởi Nhà máy In tiền Quốc gia theo kế hoạch được Thống đốc NHNN giao. Đây là DN hoạt động công ích trực thuộc NHNN Việt Nam, không tham gia đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về điều kiện thực hiện hoạt động in, đúc tiền.
Về hoạt động kinh doanh vàng khác, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định: “Các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng, hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu trong nước của DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và DN kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ và các hoạt động quy định tại Khoản 6, 7, 8 Điều này, là hoạt động kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp giấy phép”. Theo đó, các hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP là hoạt động hạn chế kinh doanh, chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và NHNN cấp giấy phép.
Do vậy, để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, NHNN Việt Nam cũng đề nghị bổ sung phụ lục danh mục mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh vào dự thảo, trong đó quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm “hoạt động huy động vốn bằng vàng” và “hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”.
Bổ sung “hoạt động kinh doanh vàng khác” (ngoài hoạt động kinh doanh vàng tại Mục 262, 264 Phụ lục 4 Luật Đầu tư, “hoạt động huy động vốn bằng vàng” và “hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản”) vào phụ lục danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư.