Sáng tạo để nâng cao giá trị cho nông sản
Nông nghiệp xuất siêu gần 7,3 tỷ USD | |
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt | |
Chưa giải được bài toán xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp |
Sau thời gian nghiên cứu, tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long (Bến Tre) đã trình làng sản phẩm ống hút dừa bằng công nghệ lên men vi sinh nước dừa. Đầu năm nay, công ty đã sản xuất thành công và cho ra thị trường sản phẩm giấy dừa được làm từ nước dừa, tiếp đến là sản phẩm mặt nạ dừa tế bào gốc. Tổng cộng, hiện công ty đã có 22 dòng sản phẩm chế biến từ quả dừa.
Cũng như vậy, Công ty TNHH Ngọc Như ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã vận dụng công nghệ để sản xuất ra các loại mỹ phẩm từ dừa. Mỗi tháng, công ty sử dụng khoảng 700kg nguyên liệu dầu dừa để sản xuất ra hàng ngàn thỏi son thành phẩm và hàng chục ngàn sản phẩm khác liên quan đến làm đẹp.
Nông sản Việt Nam cần cải thiện chất lượng để nâng cao giá trị |
Ở Đồng Tháp, Công ty TNHH Tây Cát chuyên sản xuất các loại bánh phồng làm từ trái cây đã có đơn hàng được đặt dài hạn tới 20 tấn/tháng từ các khách hàng Nhật Bản và Trung Quốc. Bà Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện Công ty TNHH Tây Cát, cho biết sản phẩm của công ty là đặc sản bánh chuối phồng, được làm từ sự kết hợp giữa mứt chuối với bánh phồng. Sản phẩm càng hút hàng hơn trong thời gian qua vì có thêm bao bì bắt mắt. Nhờ vậy, giá trị thương mại cho từ những sản phẩm nông nghiệp truyền thống đã được nâng cao.
“Để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, DN, cơ sở sản xuất cần đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào… từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Thủy chia sẻ.
Để có sản phẩm có giá trị thương mại cao, các DN đã phải tập trung thời gian công sức đầu tư nghiên cứu thị hiếu của thị trường để đáp ứng đúng nhu cầu của người dân. Minh chứng cho điều này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food đưa ra ví dụ, dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền của công ty, từ lúc tung ra thị trường đến khi khách hàng đón nhận nồng nhiệt thì Sài Gòn Food đã thay đổi bao bì sản phẩm đến 3 lần. Song song đó, công ty cũng đã phải cải thiện chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá thành.
“Những nỗ lực này đã giúp Sài Gòn Food thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần và tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì vậy, công ty cũng đang nghiên cứu nhiều dòng sản phẩm mới điển hình như bánh chưng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, với việc đầu tư mẫu mã độc đáo để mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng”, bà Lâm khẳng định.
Khẳng định điều này, đại diện nhà bán lẻ lớn, ông Seo Fumio - Phó Tổng giám đốc Khối thu mua của Công ty TNHH AEON Việt Nam nêu rõ phương châm kinh doanh của hệ thống này là sản phẩm phải an toàn và tiện lợi. AEON ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, dễ dàng chế biến và thiết yếu hàng ngày; cùng với đó là những mặt hàng nông sản sử dụng tươi sống không cần nấu chín. “Hiện nông dân Việt Nam cần cải thiện nhiều về chất lượng nông sản để có thể đáp ứng tốt được nhu cầu của thị trường”, ông Seo Fumio góp ý.
Khuyến cáo thêm cho doanh nghiệp, ông Steven Starmans - Giám đốc điều hành Công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD cho rằng, vấn đề cốt yếu chính là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm cũng như với đơn vị sản xuất. Do đó, doanh nghiệp cần làm giúp người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc sản phẩm, cũng như quy trình sản xuất chế biến...
Góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, bà Võ Phương Thuỷ - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp - cho biết, thời gian qua, Sở Công thương đã “tư vấn” cho các doanh nghiệp, nông dân, cơ sở sản xuất về những tiêu chuẩn sản phẩm, kể cả việc thiết kế đóng gói, bao bì nhãn mác như thế nào để có thể chiếm lĩnh thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, cùng một loại sản phẩm, nhưng nếu ứng dụng công nghệ và đầu tư hơn vào mẫu mã thì sẽ nâng cao được giá bán. Đặc biệt, việc chủ động phát triển sản phẩm mới sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất kinh doanh và cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh mới.