Sau câu chuyện giải cứu
Mới chỉ giải quyết được phần ngọn | |
Liên kết để giảm giải cứu | |
Nan giải... “giải cứu” hồ tiêu |
Thịt lợn đang là một trong những mặt hàng khá đắt đỏ trên các kệ siêu thị thời điểm này. Đơn cử tại Vinmart, một cân thịt dọi hiện có giá 135 nghìn đồng, tăng 30-40% so với chỉ nửa năm trước.
Ảnh minh họa |
Giá thịt lợn tăng cao khiến cho người chăn nuôi được lợi. Báo cáo mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cho biết, giá lợn hơi nhích lên từ đầu tháng Tư, trong tháng Năm bất ngờ tăng liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Về nguyên nhân giá tăng, cơ quan quản lý xác định là do không còn tình trạng cung vượt cầu như trước, chủ yếu do người tiêu dùng trong nước chuyển qua dùng thịt lợn nhiều hơn khi giá giảm, trong khi chăn nuôi giảm tái đàn.
Giá thịt lợn tăng cao liên tiếp, điều này vô hình trung lại đang tác động tiêu cực đến mặt bằng giá trong nước.Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, trong mức tăng 0,55% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm so với tháng trước có tới 0,25% được đóng góp từ nhóm thực phẩm, mà trong đó chủ yếu do giá thịt lợn hơi đã tăng mạnh 5,85%.
Hiện trạng thị trường chăn nuôi và buôn bán thịt lợn, như diễn biến ở trên cho thấy, đang rất khác với cách đây gần một năm. Khoảng tháng 7-8 năm ngoái, liên tục các cuộc giải cứu thịt lợn được đưa ra, nhưng giá thịt lợn vẫn “đổ đèo”. Còn nay, những DN chế biến có dụng đến thịt lợn, hay người dân thu nhập thấp… lại đang chịu tác động của giá thịt lợn tăng cao.
Câu hỏi đặt ra là sau những cuộc giải cứu thịt lợn, để đến nay thị trường này phục hồi và ở tình trạng tốt cho tái đàn và kinh doanh, thì có người nuôi nào, nhà buôn nào chia sẻ với người mua?
Câu hỏi trên có lẽ cũng nên đặt ra với hàng chục cuộc giải cứu, hàng trăm lần chung tay của người tiêu dùng để hỗ trợ cho người nông dân tiêu thụ nông sản, từ thịt lợn cho đến sữa bò, từ dứa cho đến ớt, tỏi… Mà trong những cuộc giải cứu đó, thậm chí từng có những lần đầy “cay đắng” khi dưa hấu ủng hay sầu riêng non, chảy nước…
Với một đất nước mà quy mô dân số nông thôn và số người phục thuộc vào sản xuất nông nghiệp còn lớn, còn nhiều thì sự quan tâm, chia sẻ với nhau rõ ràng là cần thiết. Nhưng với một môi trường kinh doanh mà ở đó yếu tố thị trường bị méo mó do các cuộc giải cứu, thì đó là điều không nên đối với một nền nông nghiệp cũng cần phải được đối xử sòng phẳng như với bao nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác.
Theo đó, nông dân làm ăn phải tự tính toán, được thì lợi, thua thì thiệt, đó phải là “cuộc chơi” công bằng để họ còn có động lực cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Cơ quan quản lý cũng rất cần cơ cấu lại nông nghiệp để tránh sản xuất dư thừa, dẫn tới giá giảm mà thiệt hại cho nông dân. Một thị trường mà ở đó chi phí trung gian thấp cũng cần được xây dựng, bao gồm cả chi phí vận chuyển, tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, lợi nhuận thương lái… Bởi chỉ có như thế thì các nông sản Việt mới có cơ hội để phát triển bền vững.
Trở lại với thịt lợn, thực tế giá tốt hiện nay chưa hẳn đã khiến ngành hàng này “kê cao gối” mà yên tâm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường xuất khẩu vẫn chưa được cải thiện do Trung Quốc vẫn trong tình trạng dư cung và giá thịt lợn duy trì mức thấp. Vì vậy, người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt, nếu mua con giống giá cao thì chi phí chăn nuôi lớn và cần theo dõi thêm biến động của thị trường.
Tín hiệu trên phát đi cảnh báo người chăn nuôi không được chủ quan khi giá thịt lợn đã tăng cao. Đồng thời, nó cho những người từng giải cứu thịt lợn thời gian để suy nghĩ, nếu giá mặt hàng này lại xuống thấp, liệu có nên tiếp tục giải cứu để đẩy giá lên, rồi khó chấp nhận mức giá quá cao?