SCIC đầu tư vào y tế
99,99% cổ đông Tisco chấp thuận SCIC rút 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ | |
SCIC bán vốn nhà nước thu về 16.112 tỷ đồng | |
Chốt mô hình “một ủy ban” |
“Về hoạt động đầu tư dự án, trong 3 tháng đầu năm, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tập trung đẩy mạnh và có chuyển biến tích cực. SCIC đã quyết định đầu tư góp vốn vào dự án nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam”, ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch HĐTV SCIC cho biết. SCIC đang kết hợp với CTCP Đầu tư y tế Việt Mỹ đầu tư trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội…
Ông Chi tỏ ra rất tâm đắc với các dự án này: “Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, SCIC luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư khác nhau. Y tế là lĩnh vực SCIC ưu tiên tìm kiếm đầu tư. Việc đầu tư này cũng là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ ưu tiên đầu tư lĩnh vực y tế, khám chữa bệnh”. Với những khoản đầu tư này, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước như nhiệm vụ được giao vừa mang lại lợi ích lớn hơn xã hội, góp phần vào phát triển hạ tầng, khám chữa bệnh.
“Với việc đầu tư cho nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư, chúng tôi mong muốn cơ hội này sẽ xây được DN của Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất thuốc chữa ung thư cho người Việt với chi phí, hiệu quả nhất, chắc chắn, chi phí tiền thuốc của người bệnh sẽ rẻ, thấp hơn hiện nay nhiều”, ông Chi bày tỏ. SCIC đã có hướng làm việc với một số đối tác uy tín nước ngoài để chuyển giao công nghệ tây dược từ châu Âu, như Đức và Tây Ban Nha. Về chi phí giá thuốc con số cụ thể đang nằm trong nghiên cứu khả thi do công ty đó xây dựng với chuyên gia, nhà tư vấn.
Ảnh minh họa |
Nhưng đại diện SCIC khẳng định, SCIC đã làm thủ tục đầu tư và thành lập DN. “SCIC đã có hướng làm việc với một số đối tác uy tín nước ngoài để chuyển giao công nghệ tây dược từ châu Âu, từ đối tác Đức và Tây Ban Nha, và đang bàn về chuyển giao công nghệ, xây dựng dự án khả thi để xây nhà máy. Về dự án trung tâm khám, chữa bệnh ở Bệnh viện K, SCIC và Bệnh viện K cùng CTCP Đầu tư y tế Việt Mỹ đã ký Thỏa thuận hợp tác đầu tư theo hình thức PPP”, ông Nguyễn Hồng Hiển - Phó tổng giám đốc SCIC cho biết. Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, là hướng đi mới trong hoạt động đầu tư của SCIC.
“Dự án khi được triển khai sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải của bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Dự án cũng thể hiện SCIC đang triển khai quyết liệt hoạt động đầu tư mới, song song với việc làm tốt công tác quản trị DN và tái cơ cấu”, ông Chi phát biểu.
Hiện cả nước chỉ có 6 bệnh viện, trung tâm chữa bệnh ung thư nhưng mỗi năm có hơn 126.000 ca mắc ung thư nên các trung tâm luôn quá tải. Dự án Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao do SCIC cùng đầu tư với Bệnh viện K dự kiến xây dựng trên khu đất khoảng 9.000 m2 trong khuôn viên Bệnh viện K với quy mô 500 giường bệnh, được trang bị đầy đủ các thiết bị chất lượng cao phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trung tâm sẽ hợp tác với các chuyên gia giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong khu vực, nhằm thu hút người Việt chữa bệnh ngay tại Việt Nam với chất lượng và chuyên môn không kém so với việc đi ra bên ngoài mất nhiều chi phí, thời gian và tiền bạc. Ông Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K phát biểu: “Tôi hy vọng, với sự hợp tác này, trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao sẽ sớm đi vào hoạt động giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cộng đồng, giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện”.
Được biết ước tính doanh thu quý I/2017 của SCIC đạt 639 tỷ đồng, bằng 6% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế ước đạt 584 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt 503 tỷ đồng. SCIC thực hiện bán vốn nhà nước tại 7 DN, với giá vốn là 37 tỷ đồng, giá trị thu được là 44 tỷ đồng, bằng 1,2 lần giá vốn.
Đến nay, danh mục DN của SCIC có 144 DN với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 18.098 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 87.991 tỷ đồng. Trong đó có 22 DN nhóm A1 với tỷ trọng vốn nhà nước là 60,4%, 13 DN nhóm A2 với tỷ trọng vốn nhà nước là 6,3%, 33 DN nhóm B1 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước là 26,5% và 76 DN nhóm B2 chiếm tỷ trọng vốn nhà nước là 6,8%. SCIC đang tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước; tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các DN.