Sức hấp dẫn của VPB đến từ đâu?
Giải mã hiện tượng OGC “nhảy múa” | |
Sẽ có cuộc đua tăng giá cổ phiếu NH? | |
“Hưng phấn” như cổ phiếu ngân hàng |
Ngày 17/8, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu của NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - mã VPB đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE. Phiên giao dịch ngày 7/9, VPB cũng tăng nhẹ với mức giá đóng cửa là 38,55 nghìn đồng/CP. Một số ý kiến nhận định, nếu toàn ngành Ngân hàng khởi sắc, rất có thể VPB sẽ tiến thẳng lên mức 55.000 đồng/CP.
Lý giải về hiện tượng VPB, một số chuyên gia cho rằng, điểm tựa để VPB tăng giá trong trung hạn rất có thể là do ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, hơn 1.000 tỷ đồng CP này đã được khối ngoại mua vào. Song, tìm hiểu sâu hơn, sức hấp dẫn của VPB không chỉ có như vậy, bởi VPB là NHTMCP tại Việt Nam có 2 công ty con sở hữu 100% vốn là: Công ty quản lý tài sản (VPBank AMC) và Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit hay Công ty Tài chính tiêu dùng VP). Với đội ngũ lãnh đạo hàng đầu và hệ thống quản lý rủi ro hiện đại trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, VPBank đã vượt xa các ngân hàng khác trong các thị trường cận biên tính theo phần lớn các chỉ số vận hành và sinh lời.
Theo đánh giá của Vietcapital, khó có đối thủ nào sánh được với VPBank trên các thị trường cận biên về khả năng sinh lời, tăng trưởng và vốn. VPBank nằm trong số các ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất trên các thị trường cận biên của thế giới và khu vực Đông Nam Á với giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Từ 2016-2018, chỉ số EPS tăng trưởng kép hàng năm cao hơn so với phần lớn các ngân hàng khác (trừ một số trường hợp đặc biệt). VPBank cũng vượt các ngân hàng khác, cả Việt Nam lẫn trong khu vực, về khả năng sinh lời khi ước tính ROA 2016 đạt 1,9% trong khi các ngân hàng khác chỉ đạt 0,8% và vốn cấp 1 năm 2016 đạt 9,6% trong khi của các ngân hàng khác là 8,3%.
Bên cạnh đó, việc niêm yết của VPB là rất đúng lúc trong chu kỳ tín dụng của Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, mặt bằng lương trong nước tăng và tình hình kinh tế vĩ mô khả quan đã giúp các ngân hàng Việt Nam được quản lý tốt bước vào chu kỳ phục hồi từ đợt khủng hoảng nợ xấu 2012. Với tăng trưởng GDP thực tế 2017 đạt 6,4% và dòng vốn FDI dồi dào (dự báo 2017 sẽ đạt trên 15 tỷ USD), tình hình kinh tế vĩ mô là rất thuận lợi. Tuy nhiên, không ngân hàng nào tận dụng được chu kỳ kép tăng trưởng tín dụng và cải thiện chất lượng tài sản như VPBank.
Cùng với đó, VPBank có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) rất cao, năm 2016 đạt 7,8% so với trung bình của ngành Ngân hàng là 2,9%. Có được điều này là nhờ NIM của FE Credit đạt 27,7%. Môi trường pháp lý thuận lợi, khả năng phục hồi cao khiến thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thuộc loại hấp dẫn nhất khu vực. Với thị phần 48% và bảng cân đối kế toán tăng ít nhất 40% trong năm 2017, FE Credit chính là “báu vật” của VPBank.
Một yếu tố khác tạo nên sự hấp dẫn của VPB là lĩnh vực ngân hàng cốt lõi cũng bắt đầu tăng trưởng. Các sản phẩm ngân hàng cốt lõi của VPBank có ROE ước đạt 17,1% so với trung bình ngành là 12,5%, NIM cao hơn so với các ngân hàng bán lẻ khác (4,4% so với 2,9%). Ngoài ra, quá trình chuyển đổi chiến lược sẽ ảnh hưởng tích cực đến hoạt động năm 2018 của ngân hàng này với ban lãnh đạo mới và tập trung vào bán lẻ, DNNVV và hộ gia đình.
Ngoài ra, rủi ro về quản lý thấp nhất Ngành của VPB cũng là yếu tố rất quan trọng đối với nhượng quyền thương mại. Theo các chuyên gia, với đội ngũ quản lý rủi ro tốt nhất, thời gian dự kiến đối với mất mát giá trị cả đời của VPBank đã giảm 200-300 điểm cơ bản đối với tài chính tiêu dùng và tín dụng bán lẻ trong 3 năm qua. Bằng chứng là ngày càng có nhiều ngân hàng đầu tư trên thế giới cung cấp vốn kỳ hạn dài cho FE Credit với chi phí thấp (thấp hơn 200 điểm cơ bản so với cấp vốn trong nước mà không có rủi ro về tỷ giá). Tiêu chí đầu tiên và tiên quyết của quyết định đầu tư không phải là lợi nhuận hay định giá, mà là vấn đề quản lý rủi ro.
Các chuyên gia tài chính định giá vốn chủ sở hữu sau đầu tư của VPBank từ 75.100 tỷ đồng đến 91.000 tỷ đồng, giá mục tiêu cuối cùng của VPB là 55.000 đồng. Định giá vốn chủ sở hữu khả quan nhất trong khung thời gian 24 tháng là 96.200 tỷ đồng.
Nhà đầu tư kỳ vọng ở VPBank qua tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và vị thế đứng đầu thị phần tài chính tiêu dùng. Đồng thời, VPBank cũng thu hút được dòng tiền đầu tư từ khối ngoại để từ đó cải thiện về hệ thống công nghệ, cũng như có thêm kinh nghiệm về quản trị rủi ro ngân hàng. Với những triển vọng trên, cùng P/B (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) forward năm 2018 dự báo là 1,7 lần, giá CP này còn là động lực tăng trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp với các nhà đầu tư ưa rủi ro.