Sẽ có cuộc đua tăng giá cổ phiếu NH?
“Hưng phấn” như cổ phiếu ngân hàng | |
Không khó lựa chọn cổ phiếu ngân hàng | |
Lựa thời điểm lên sàn |
Ông Nguyễn Đức Hưởng |
Từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu NH đang tăng trưởng khá tốt. Liệu xu hướng này có tiếp tục trong thời gian tới?
Tôi nghĩ, đây mới chỉ là giai đoạn rậm rạp. Nếu Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua và ban hành chính thức thì thời gian tới sẽ là một cuộc chạy đua tăng giá cổ phiếu NH. Bởi, với cơ chế được xử lý tại Nghị quyết, NH sẽ giải phóng được rất nhiều nợ tồn đọng. Giải quyết được tài sản tồn đọng thì chi phí hoạt động NH giảm đi đáng kể, từ đó sẽ có điều kiện hạ lãi suất. Mặt bằng lãi suất thấp, khách hàng mạnh dạn vay vốn, chắc chắn NH sẽ cho vay được nhiều hơn, lợi nhuận khả quan hơn. Tôi cho rằng, chỉ cần giải quyết được 50% của 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế.
Cổ phiếu của Sacombank liên tục tăng trong những ngày qua, theo ông động lực tăng trưởng có phải do cơ chế xử lý nợ xấu đặc thù riêng cho NH?
Đấy có thể là một lý do. Nhưng phải nói thật là để xử lý số lượng nợ xấu đang tồn đọng tại Sacombank không đơn giản chút nào. Tuy cơ chế cho phép NH xử lý lãi dự thu trong vòng 10 năm, chênh lệch giá trị sổ sách và thực tế trong vòng 5 năm là những cơ chế rất cốt lõi nhưng kèm với rất nhiều tài sản không sinh lời. Những tài sản không sinh lời đó có thể gây lỗ nếu như tiền cho vay không thu được vì NH vẫn phải trả lãi tiền gửi tiết kiệm... Để gỡ được cho Sacombank, tôi cho rằng bên cạnh cơ chế trên, người thuyền trưởng phải hội đủ một số tiêu chí quan trọng.
Đầu tiên là họ có muốn ứng cử tham gia vào Sacombank không. Nếu người đó mà không muốn tự nguyện tham gia thì cũng không đủ tâm huyết để xử lý, tái cơ cấu lại NH. Hai là, phải có nghề NH. Ba là phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Tiếp nữa là phải có tiền thật. Ngoài ra, còn 1-2 tiêu chí nữa theo tôi cũng khá quan trọng đối với người thuyền trưởng mới của Sacombank. Đó phải là một người có thể thổi luồng không khí mới cho tập thể cán bộ nhân viên để họ tự tin dốc sức tiếp tục gắn bó với công việc tại NH, chứ như hiện nay niềm tin đó đang rất lung lay. Ở đây tôi lưu ý người thổi luồng không khí đó là tinh thần chứ không phải là vật chất. Nhưng tinh thần đó khi kết tinh lại tạo ra vật chất rất lớn. Hai nữa vẫn phải có hỗ trợ thêm cơ chế. Cơ chế đấy không chỉ NHNN mà chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật…
Đơn cử, NH muốn thanh lý tài sản thế chấp bằng bất động sản nhưng nếu chỉ cần bên con nợ có chút quan hệ là việc thu giữ tài sản bị ngãng ra ngay và kéo dài thời gian xử lý. Vì vậy, dù thuyền trưởng của Sacombank hội tụ đủ các tiêu chí cần thiết mà thiếu đi những cơ chế quan trọng kèm theo, tôi nghĩ nếu nói gỡ rối được Sacombank trong thời gian ngắn là rất khó.
Ở vị trí mới, ông có thông điệp gì đối với cán bộ nhân viên nói riêng, thị trường NH nói chung?
Điều đầu tiên tôi muốn trưng cầu dân ý từ tất cả cán bộ nhân viên về 3 vấn đề lớn. Một là, chỉ ra những tồn tại trong từng mảng hoạt động của LienVietPostBank trong thời gian qua. Hai là, tìm tòi phát hiện đưa ra ý tưởng mới. Ba là, NH thuê dịch vụ tư vấn. Hiện nay dịch vụ tư vấn đang yếu khâu phân tích hoạt động tài chính kinh tế trong từng NH và DN vay vốn. Chủ đích của NH vẫn giữ quỹ lương nhưng tinh giản biên chế để lương từng cán bộ nhân viên tăng lên. Hay nói cách khác là nâng cao hiệu quả chất lượng làm việc.
Chúng tôi cũng xác định, NH muốn cạnh tranh phải cạnh tranh trên ngón tay cái. Tức là càng nhiều dịch vụ trên ngón tay cái, ngón tay trỏ hay nói cách khác là NH di động càng phát triển sẽ giúp tỷ trọng thu dịch vụ NH tăng cao, vừa giảm chi phí, bớt rủi ro, chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng mạnh, bền vững. NH nào thắng lợi trên thị trường là NH có dịch vụ hiện đại nhất. Đây cũng là giải pháp để các NH thoát cách làm truyền thống cho vay thu nợ đơn thuần. Xu hướng này NH nước ngoài làm nhiều và cách đây khá lâu rồi còn Việt Nam vẫn chủ yếu với cách thức truyền thống là huy động và cho vay là chính.
Xin cảm ơn ông!