BĐS Việt Nam “hút” nhiều nhà đầu tư nước ngoài
Năm 2018 cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới, ghi nhận tăng trưởng GDP cao nhất trong mười năm qua với mức tăng 7,1% theo năm. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò chủ chốt đối với phát triển kinh tế, với hơn 50% lượng vốn đăng ký mới đến từ ngành sản xuất và chế biến, góp phần thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp.
Trong tháng 11/2018, Mapletree Logistics Trust tuyên bố mua lại một nhà xưởng của Unilever tại khu công nghiệp VSIP 1 với giá trị 31 triệu USD. Nhà xưởng này sẽ được cho Unilever thuê lại trong mười năm.
Trong tháng 12/2018, Tập đoàn Amata, một đơn vị phát triển BĐS công nghiệp Thái Lan, khởi công xây dựng Khu Công nghiệp Sông Khoai, một phần thuộc siêu dự án Amata City Hạ Long tại tỉnh Quảng Ninh. Công trình này là một bước đi chiến lược để Amata mở rộng tới khu vực phía Bắc Việt Nam, sau thành công của các dự án Khu Công nghiệp Amata Biên Hòa và Amata Long Thành tại phía Nam.
Với tổng diện tích đất là 5.789ha, dự án này sẽ là một thành phố công nghiệp tích hợp, dẫn đầu xu thế hướng tới thành phố thông minh, với tổng số vốn đầu tư là 1,6 tỷ USD.
Các chủ đầu tư phân khúc nhà ở tiếp tục hoạt động tích cực trong Q4/2018. Công ty TNHH VinaCapital Opportunity Fund (VOF) chuyển giao 34,18% cổ phần của Green Park Estate, một dự án tổ hợp với quy mô 15,7ha tại quận Tân Phú, TP.HCM.
Một quỹ khác của VinaCapital – Vinaland – nắm giữ 63,47% cổ phần dự án nhưng đã có kế hoạch thoái vốn trong tương lai gần. Trong khi đó, Vinhomes, một chủ đầu tư danh tiếng trong nước, công bố kế hoạch xây dựng hai khu đô thị mới: Vincity Ocean Park tại huyện Gia Lâm và Vincity Sportia tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Những dự án lớn này này sẽ cung cấp một hệ thống công viên và tiện ích toàn diện về y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và thể thao ngoài trời.
Bên cạnh đó, văn phòng tiếp tục là một trong những phân khúc BĐS hấp dẫn nhất trong khu vực. TP.HCM ghi nhận hoạt động thị trường văn phòng tốt nhất trong năm năm qua với giá thuê trung bình tăng 8% theo năm và công suất cho thuê rất cao tại mức 97%, trong khi đó Hà Nội cũng ghi nhận giá thuê gộp trung bình tăng 3% theo năm và hoạt động của Hạng A được cải thiện tại những khu vực ngoài trung tâm.
Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn, Wework – một đơn vị phân phối không gian làm việc chung của Mỹ - đã gia nhập thị trường Việt Nam với cơ sở chính thức đầu tiên tại tòa nhà E-Town Central, TP.HCM.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: “Thị trường BĐS Việt Nam đang thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng ngày Savills vẫn luôn gặp gỡ các nhóm khách hàng đầu tư bày tỏ mối quan tâm, rất nhiều trong số đó là các nhà đầu tư lần đầu tìm hiểu về việc đầu tư vào thị trường Việt Nam”.
Các nhóm khách hàng này chủ yếu đến từ các nước trong khu vực – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ và châu Âu và các quỹ đầu tư toàn cầu hiện cũng đang tích cực nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam. Tất cả các phân khúc thương mại và nhà ở đều đang được nhắm tới.
Sự quan tâm chủ yếu xuất phát từ các quỹ đầu tư không phải với mục đích phát triển dự án mà mua các BĐS đã đi vào vận hành và có thu nhập, ví dụ như văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, các khách sạn 4 – 5 sao. 2019 dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận các giao dịch đầu tư mới ở nhiều cấp độ: tài sản, danh mục, và đầu tư doanh nghiệp.
Savills Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều dự án định giá phát hành lần đầu ra công chúng (IPO); đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường BĐS. Với triển vọng khả quan của nhiều phân khúc BĐS, chúng tôi kỳ vọng luống vốn đầu tư sẽ hướng đến đa dạng nhiều phân khúc hơn, bao gồm các kênh đầu tư cơ hội như BĐS công nghiệp và kho vận.