Tạo thuận lợi thu hút FDI
Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD trong quý I/2019 |
Theo kết quả đánh giá của Jones Lang LaSall (công ty của Mỹ chuyên về cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp và quản lý đầu tư trong lĩnh vực bất động sản) công bố vào tháng 1/2019 vừa qua, TP.HCM nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2018. Trong năm qua, thành phố này đã thu hút được hơn 7 tỷ USD vốn FDI, tăng 15% so với năm 2017, nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn thành phố lên thành 44,94 tỷ USD với 8.112 dự án, tiếp tục khẳng định vai trò dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
Y tế đang là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài |
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư, mà cũng chính là sự ủng hộ đối với chính quyền thành phố trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ. Tuy nhiên, TP. HCM còn phải làm nhiều việc để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa DN FDI và DN trong nước”.
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khẳng định, rất nhiều DN châu Âu đã lựa chọn TP. HCM làm điểm đến, chứng tỏ nơi đây có môi trường đầu tư và thương mại rất thu hút. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, thành phố nên đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến, xử lý ngập lụt, nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng; xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông. Euro Cham sẵn sàng hợp tác về quy hoạch phát triển, đẩy nhanh quá trình xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo và thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.
Cùng chung quan điểm, ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP. HCM cho biết, nước này đã hỗ trợ ngay từ đầu các dự án lớn để TP. HCM thành một đô thị tầm cỡ quốc tế. Hàng năm, tỷ lệ các DN Tây Ban Nha đầu tư vào Việt Nam đều tăng. Hiện nay, yếu tố thu hút các công ty Tây Ban Nha vào Việt Nam là tỷ lệ tăng trưởng tốt, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và một chính sách hợp tác toàn cầu rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông vẫn có những cản trở làm chậm sự tăng trưởng và ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và dự án tiềm năng. Mặc dù đã có những cải tiến lớn đạt được về thủ tục hành chính, nhưng vẫn thiếu sự minh bạch, gây ra e ngại cho các DN. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp đã làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì làm tăng chi phí sản xuất...
Nhìn ở góc độ khác, ông Choi Bun Do, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc nhận thấy ở Việt Nam, dòng vốn FDI đang chảy vào các lĩnh vực như phân phối, y tế, giáo dục, dịch vụ, điện, điện tử, công nghệ thông tin, bán dẫn, xây dựng thành phố thông minh… thay vì vào các ngành sử dụng nhân công giá rẻ. Song, còn đó các vướng mắc về thuế nhập khẩu nguyên liệu thô dành cho sản xuất hàng xuất khẩu và một số loại thuế khác.
Đề cập đến chuyển giao công nghệ, ông cũng cho biết hiện nay, Hàn Quốc cũng đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Để đạt hiệu quả cao, các DN tư nhân Việt Nam cần phải nỗ lực đổi mới công nghệ bằng việc gia tăng đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển cũng như phát triển nguồn nhân lực. Theo khảo sát của World Bank và OECD, đầu tư nghiên cứu phát triển của lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% tổng số hoạt động này của cả nước. Tỷ lệ này tại Nhật Bản là 80%, Hàn Quốc là 75%, Trung Quốc là 73%, Malaysia là 70%, Singapore là 62%...
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, thành phố luôn “mở rộng cửa” mời gọi đầu tư nước ngoài, hoan nghênh những DN làm ăn chân chính, lâu dài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, có trách nhiệm môi trường, xã hội. Thành phố luôn lắng nghe và đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững vì sự thành công của các DN nước ngoài tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Quan điểm của thành phố là tiếp tục xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, mang tính cạnh tranh, theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.