Tăng chất cho hoạt động tín dụng
Ngành Ngân hàng: Chủ động hóa giải thách thức | |
Kỳ vọng năm mới | |
Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô |
Phù hợp với xu thế
Sau nhiều lần dự thảo sửa đổi, mới đây NHNN đã ban hành Thông tư số 39/2016/NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Hoạt động tín dụng hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các NH, vì thế Hội nghị triển khai hai Thông tư 39 và Thông tư 43 được các TCTD rất quan tâm.
Theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, quy chế cho vay ban hành kèm theo Quyết định 1627 tính đến nay đã đi vào cuộc sống được 16 năm. Thời gian qua, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật, luật có những điểm thay đổi đòi hỏi Thông tư phải thay đổi theo. Và cũng đã có nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoạt động cho vay của hệ thống TCTD.
Quan trọng nữa là cần có quy định mới phù hợp với tiến trình tái cơ cấu các TCTD theo hướng minh bạch, dần theo chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, việc ban hành một Thông tư thay thế Quy chế cho vay kèm theo Quyết định 1627 là vấn đề trọng tâm được Ban lãnh đạo NHNN chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Một trong những điểm mới tại TT 39 là việc NHNN tách bạch các hình thức cho vay để có giải pháp ứng xử phù hợp cho từng “nhóm” khách hàng |
Theo một số chuyên gia, việc ban hành Thông tư 39 được đánh giá là kịp thời đặt trong bối cảnh Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ năm 2017 (trong đó có nhiều quy định liên quan đến hoạt động NH), khắc phục những bất cập nảy sinh trong hoạt động tín dụng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người đi vay lẫn người cho vay, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống…
Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, Thông tư 39 có rất nhiều nội dung mới có tác động lớn đối với hoạt động cho vay của các TCTD. Đơn cử, quy định chủ thể quan hệ dân sự: thay vì đưa ra nhiều loại chủ thể thì tại Bộ luật Dân sự 2015 chỉ gom lại còn hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân.
Do đó, để Luật đi vào cuộc sống và tạo thuận lợi cho hoạt động NH cũng như đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, Thông tư 39, quy định: loại trừ vay phục vụ nhu cầu đời sống, khách hàng cá nhân vẫn có thể vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác. Theo đánh giá đây là quy định khá mở giúp cho cá nhân là chủ hộ kinh doanh, chủ DN tư nhân có thêm cơ hội tiếp cận vốn vay để kinh doanh.
Có thể nói, tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực, rất nhiều băn khoăn về mức lãi suất cho vay đã và đang được các TCTD áp dụng. Băn khoăn đó xuất phát từ sự khác nhau giữa các quy định của Bộ luật Dân sự với Luật các TCTD, Luật NHNN. Giải thích băn khoăn trên, ông Đoàn Thái Sơn cho biết: Quy định tại điều 466, 468 của Bộ luật Dân sự 2015 đã thay đổi căn bản các quy định về lãi suất trước đây như: mức lãi suất vay theo các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp theo các quy định khác.
Tại Luật NHNN 2010 và Luật Các TCTD 2010 cũng có quy định lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận theo quy định pháp luật. NHNN cụ thể hóa quy định này tại Thông tư 39: cho phép TCTD được phép thỏa thuận về lãi suất cho vay trừ trường hợp đối với những lĩnh vực cho vay NHNN quy định trần lãi suất. Như vậy, lãi suất cho vay vẫn thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận, không chịu ràng buộc theo quy định 20%/năm tại Bộ luật Dân sự 2015.
Minh bạch hóa hoạt động tín dụng
Một điểm mới trong Bộ luật Dân sự cũng như Thông tư 39 liên quan đến nội dung lãi suất chậm trả. Đó là, trước đây, theo Quyết định 1627, nếu một khoản vay bất kỳ mà có một khoản gốc hoặc lãi bị quá hạn thì toàn bộ khoản vay đó sẽ bị xem là quá hạn nhưng áp dụng lãi suất như nào là tùy TCTD có quy định khác nhau. Còn hiện nay, theo quy định tại Thông tư 39, trong trường hợp trên, khách hàng chỉ phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Đảm bảo tính công khai minh bạch trong hoạt động tín dụng, tại Thông tư 39 yêu cầu các TCTD phải thực hiện niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung về cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCTD. Ngoài ra, TCTD phải cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết, trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được TCTD cung cấp đầy đủ thông tin.
Một trong những điểm mới quan trọng tại Thông tư 39 được đánh giá cao là việc NHNN tách bạch các hình thức cho vay để có giải pháp ứng xử phù hợp cho từng “nhóm” khách hàng vừa đáp ứng kịp thời vốn vay, phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ dòng vốn chảy đúng địa chỉ, phát huy hiệu quả.
Như đối với hai hình thức cho vay mới là cho vay quay vòng, NHNN quy định TCTD và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 1 tháng, và khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo, nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 3 tháng.
Hay đối với cho vay tuần hoàn, NHNN đưa ra tới 4 yêu cầu kèm theo. Ngay cả đối với hình thức cho vay cũ như cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán trước đây là không giới hạn thì theo quy định mới, TCTD chỉ được duy trì mức thấu chi trong một khoảng thời gian tối đa 1 năm... Các quy định trên được đánh giá đảm bảo tạo sân chơi lành mạnh trong hệ thống.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng Đảm bảo Thông tư 39, 43 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất Thông tư 39 ban hành vừa đáp ứng được yêu cầu làm sao tạo thuận lợi cho hoạt động cho vay của các TCTD và chi nhánh NH nước ngoài, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước về hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, với tính chất đặc thù của tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính, NHNN đã ban hành Thông tư 43 dành riêng đối với cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Nhưng khuôn khổ chung hoạt động của các đối tượng trên vẫn thực hiện theo Thông tư 39. Đây là một Thông tư chi phối lớn hoạt động của các TCTD do hoạt động cấp tín dụng vẫn là chủ yếu. Theo đó sẽ tác động khá lớn đối với hoạt động cả TCTD lẫn DN và người dân. Để các quy định này đi vào cuộc sống, DN, cá nhân hiểu đúng và trúng chính sách, NHNN sẽ tổ chức tập huấn chi tiết, cụ thể hai Thông tư trên. Dự kiến các đợt tập huấn được tổ chức khoảng từ ngày 10/2 đến cuối tháng 2/2017. NHNN đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, đặc biệt là Văn phòng, các đơn vị chức năng chuyên môn như Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế... nếu có những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai cần phải được giải thích, hướng dẫn cụ thể. Còn với những điểm mới, tôi đề nghị Vụ trưởng Vụ Pháp chế sớm cho đăng tải lên website. Trong quá trình tổ chức triển khai, những vướng mắc của bản thân các TCTD, vướng mắc từ phía khách hàng… cũng cần phản ánh sớm để các đơn vị chức năng của NHNN xem xét, cân nhắc để có những hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh việc tổ chức triển khai các quy định của hai Thông tư này, công tác truyền thông là vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy không chỉ hoạt động cho vay mà có thể các hoạt động khác của TCTD nếu không làm tốt truyền thông có thể dẫn đến cái nhìn của cộng đồng DN và người dân về hoạt động của hệ thống NH không tích cực. Chính vì thế, tôi đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, đặc biệt các vụ chức năng Văn phòng, Ban Truyền thông với các TCTD phải chủ động truyền thông ở từng cấp, từng góc độ... |