Thêm nhiều sản phẩm mới cho thị trường TPCP
Trái phiếu sẽ lên ngôi trong năm 2016 | |
Nhu cầu đối với TPCP kỳ hạn ngắn như 3 năm vẫn ở mức cao |
Tại Hội nghị Thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá, thị trường TPCP năm 2015 đã đạt được bước phát triển khá ấn tượng cả về huy động vốn cho NSNN và giao dịch thứ cấp.
Hoạt động huy động vốn cho NSNN đã cơ bản hoàn thành, kỳ hạn bình quân trái phiếu huy động tăng lên 2 năm so với năm 2014, mặt bằng chung lãi suất huy động giảm từ 6,54% năm 2014 xuống 6,23% năm 2015, cơ cấu nhà đầu tư có cải thiện khi các quỹ bảo hiểm, đầu tư tham gia tích cực hơn vào thị trường, thanh khoản thị trường tăng nhẹ với giá trị giao dịch bình quân đạt 3.656 tỷ đồng/phiên.
Ảnh minh họa |
“Kết quả đạt được trong năm qua, một mặt do cơ chế chính sách đã được hoàn thiện: Bộ Tài chính đã ban hành các thông tư mới hướng dẫn về phát hành TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; phải kể đến vai trò của các đơn vị vận hành thị trường đã hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian từ phát hành lên niêm yết, giao dịch và đặc biệt là sự nỗ lực tham gia của tất cả các thành viên thị trường TPCP ngày càng chuyên nghiệp hơn”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.
Đối với vấn đề huy động vốn cho NSNN, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, năm 2016 kế hoạch phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP, dự kiến quý I/2016, KBNN sẽ phát hành 76.000 tỷ đồng, trong đó 45% là các trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) sẽ được phát hành 1 phiên/quý.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm 2015, sản phẩm trái phiếu không thanh toán lãi định kỳ (zero-coupon); trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long-coupon bond) của KBNN đã cho thấy sự thành công bước đầu và điều này kỳ vọng được duy trì tiếp tục trong năm nay.
Trong năm 2016, Chính phủ cũng đã có chủ trương về việc tiếp tục đa dạng hóa kỳ hạn. Trong tổng số 220.000 tỷ đồng phát hành của năm 2016 sẽ có 30% là kỳ hạn 3 năm; khoảng 45% là kỳ hạn 5 năm; và các kỳ hạn khác chiếm 25%. Tuy nhiên, trong các kỳ hạn sẽ cố gắng kéo dài thời gian và sẽ huy động một số kỳ hạn rất dài chẳng hạn như 20, 30 năm.
“Đây là những thử nghiệm bước đầu nên có thể vẫn còn một số khó khăn. Bởi hiện nay đang có khoảng 77% lượng trái phiếu trúng thầu là do NHTM nắm giữ, trong khi đó các tổ chức này lại hạn chế nguồn vốn để đầu tư vào các kỳ hạn dài và rất dài. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm mừng là trong năm 2015, tỷ lệ tham gia của khối DN bảo hiểm trên thị trường TPCP tăng lên - đây là những nhà đầu tư thích đầu tư vào các kỳ hạn dài, nhất là các kỳ hạn 15, 20 năm”, ông Dũng nói.
Đại diện HNX cũng cho biết, HNX sẽ tiếp tục phối hợp với KBNN hoàn thành khối lượng huy động vốn, nghiên cứu triển khai hoán đổi chéo kỳ hạn để kéo dài kỳ hạn bình quân. Đối với các tổ chức phát hành khác, HNX sẽ hỗ trợ xây dựng lịch biểu và kế hoạch phát hành, áp dụng phương thức phát hành lô lớn, hỗ trợ các địa phương thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện hoán đổi trái phiếu nhằm tăng quy mô niêm yết, tăng thanh khoản và giảm chi phí huy động vốn.
Bên cạnh đó, HNX cũng nghiên cứu triển khai để đưa vào giao dịch các sản phẩm mới như bộ sản phẩm Repo, phát triển sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP…
Bước sang năm 2016, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đặt ra 4 nhiệm vụ cho thị trường trái phiếu gồm: tiếp tục huy động vốn hiệu quả cho NSNN; hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ trong việc cơ cấu lại nợ trong nước bằng việc tiếp tục phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài, trong đó kỳ hạn 3 năm chiếm 30%, các kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 70%; tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, kỳ hạn phát hành; và chuẩn bị đưa thị trường phái sinh vào hoạt động.