Tăng trưởng kinh tế năm 2016 ước tăng 6,21%
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đây là Hội nghị rất quan trọng nhằm phân tích, nhận định tình hình năm 2016, gồm cả kết quả đạt được, những tồn tại yếu kém và bàn các giải pháp triển khai để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 ước tính tăng 6,21%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từng bước phục hồi, tăng trưởng đạt 1,36%; công nghiệp – xây dựng tăng 7,57%; dịch vụ tăng trưởng cao 6,98%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 0,23% so với tháng trước; tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước; bình quân năm 2016 so với năm 2015 tăng 2,66%. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,87% so với tháng 12/2015; bình quân cả năm 2016 tăng 1,83% so với năm trước.
Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tính đến ngày 20/12, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,47% so với cuối năm 2015; huy động vốn tăng 16,88%, tín dụng tăng 16,46%. "Thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt; mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá và thị trường vàng cơ bản ổn định dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD – cao nhất từ trước tới nay", báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016 cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng, tăng 16,2% về số lượng doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước đến ngày 15/12 đạt 93% dự toán (cùng kỳ đạt 97,1% dự toán), trong đó: thu nội địa đạt 94,9% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 102,9% dự toán).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, việc thảo luận phải ngắn gọn, súc tích, trực diện, có các số liệu minh chứng rõ ràng; không nêu vấn đề một cách chung chung. Đặc biệt cần tập trung phân tích, đánh giá sát bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế để đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, yếu kém trong từng ngành, từng lĩnh vực. Quan tâm lựa chọn, đề xuất những ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải trên tinh thần đổi mới, thể hiện được vai trò kiến tạo của Chính phủ, sự quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước liêm chính, hành động quyết liệt; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu trước các vấn đề, kiến nghị, đề xuất của các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành tiến hành giải trình, giải đáp, làm rõ “ngọn nguồn vấn đề”, nêu rõ quan điểm, ý kiến, phương hướng xử lý… ngay tại hội nghị.