Tạo cơ hội chi tiêu cho du khách hạng sang
Ngành du lịch bứt phá từ 2017 | |
Dẫn dắt thị trường du lịch nghỉ dưỡng |
Theo Tổng cục Du lịch, hai tháng đầu năm 2017 ngành du lịch Việt Nam đã đón trên 2,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Những DN du lịch lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Fiditourist, Bến Thành Tourist… đã rất thành công khi liên tục đón và phục vụ nhiều đoàn khách của các thương hiệu tàu biển quốc tế cao cấp đến tham quan Việt Nam (như Celebrity Millennium, Europa II, Superstar Virgo và Silver Shadow).
Ảnh minh họa |
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị truyền thông, Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist cho biết, hai tháng đầu năm 2017 Saigontourisr đã đón 49 chuyến tàu cập cảng với tổng cộng 46.900 du khách và 28.600 thuyền viên tàu biển quốc tế đến tham quan Việt Nam.
Ngoài ra, đầu năm cũng là thời điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ MICE vào mùa, trong hai tháng đã có 15 đoàn khách là những tập đoàn, thương hiệu lớn đã chọn những DN du lịch uy tín như Saigontourist làm nhà tổ chức các chương trình du lịch kết hợp sự kiện, khen thưởng, hội nghị, gala dinner… (du lịch MICE).
Những tour du lịch MICE và tàu năm sao luôn có số lượng du khách đông đảo, sẽ cùng lúc chi tiêu, mua sắm và sử dụng dịch vụ tại chỗ rất lớn. Chính vì vậy, ngoài việc khai thác đón khách, DN du lịch còn chuẩn bị tốt hạ tầng du lịch như phương tiện đi lại, nhà hàng khách sạn, vệ sinh công cộng, hàng lưu niệm tại điểm tham quan… Hiện nay, phần lớn du khách MICE và tàu năm sao chưa thật sự chi tiêu nhiều tại điểm đến của Việt Nam, vì còn quá thiếu sản phẩm đặc trưng.
Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2016 đến nay Việt Nam trở thành điểm đến của du khách từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc tăng cao. Du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thường là những người cao tuổi, sinh viên đi du lịch với thời gian lưu trú dài, chi tiêu không cao nhưng ổn định và tăng theo từng năm. Còn khách Trung Quốc du lịch sang Việt Nam bằng cả hai đường hàng không và đường bộ ngày càng tăng mạnh, với mức chi tiêu luôn cao hơn các quốc gia khác.
Thậm chí, năm 2016 và đầu năm 2017 này đã có những đoàn du khách Trung Quốc thuê hẳn chuyến bay riêng du lịch sang Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Trung, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Du lịch lữ hành Thuận Việt (quận 5, TP. Hồ Chí Minh), khách Trung Quốc thường đi theo đoàn từ 15 – 30 khách, tại điểm đến tham quan (khu du lịch, chợ, đền chùa…) thường sử dụng nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm, nữ trang…
Du khách từ những thị trường khác cũng đang gia tăng số lượng đến Việt Nam như các nước ASEAN, Tây Âu, Châu Mỹ… Và một số lượng rất lớn khách du lịch nội địa (gần 65 triệu lượt khách/2016) cũng được xem như đối tượng chi tiêu đáng kể cho ngành du lịch.
Theo Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 2,2 triệu lượt, tăng đến 33% so với cùng kỳ 2016. Đây là tháng đầu tiên ngành du lịch đón lượng khách lớn, bởi tháng 2 vẫn còn là tháng đông khách du lịch quốc tế, nên nhiều công ty du lịch lữ hành lớn đều kinh doanh tốt, có thị trường tăng trưởng 40% và nhiều khách sạn lớn tại TP. Hồ Chí Minh hiện đang có công suất phòng lên đến 80%, nhưng dự báo tháng 3/2017 lượng du khách đến Việt Nam (nhất là du khách Trung Quốc) sẽ còn tiếp tục tăng.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt nhận định, mặc dù số lượng du khách tăng đều từng năm, Việt Nam cũng được thiên nhiêu ưu đãi về cảnh quan, núi non hùng vĩ, trên bến dưới thuyền, nhưng việc thu hút du khách chi tiêu lại yếu kém so với nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể, du khách chi tiêu bình quân tại Việt Nam khoảng 110 USD/ngày, trong đó đến 70% là chi vào việc lưu trú và phương tiện di chuyển, còn mua sắm chỉ khoảng 13%. Còn tại các nước khác Thái Lan, Singapore du khách chi bình quân 160 USD/ngày, trong đó mua sắm là 35%.
Thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, tại các điểm tham quan du lịch của Việt Nam còn quá nghèo nàn hàng hóa đặc sản làm quà tặng, chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ rẻ tiền, lại bán mỗi nơi một giá. Có nhiều nơi, sản phẩm quà tặng có xuất xứ Trung Quốc nhiều hơn cả hàng Việt Nam. Tại một thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh cũng khó tìm ra sản phẩm đặc trưng, có giá lớn để du khách “xài tiền”.
Điểm sáng kỳ vọng thu hút du khách đến và xem du lịch Việt Nam hấp dẫn hiện nay là sự bùng nổ các khu du lịch nghỉ dưỡng tại những địa danh du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Tây Bắc… với hạ tầng hoàn chỉnh, dịch vụ phục tại chỗ tốt (spa, làm đẹp, các hình thức vui chơi giải trí…), gần gũi thiên nhiên với các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc (múa rối nước, hát quan họ, nhã nhạc cung đình, đơn ca tài tử…). Chính những yếu tố phục vụ này và môi trường du lịch thân thiện an toàn sẽ giữ chân du khách.