Tập trung phát triển ngành ô tô Việt
Ngành ô tô vẫn loay hoay với nội địa hóa | |
Ngành ô tô Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư? | |
Bất động sản công nghiệp hưởng lợi từ ngành ô tô |
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố cho thấy, trong tháng 10/2019, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam đạt 28.948 xe, nâng tổng số ô tô các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ 10 tháng/2019 đạt 259.282 xe các loại, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu đi sâu phân tích sẽ thấy xu thế ô tô lắp ráp trong nước được bán ra thị trường giảm so với tháng trước, đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp doanh số ô tô lắp ráp trong nước giảm, trong khi lượng xe nhập khẩu về lại tăng mạnh.
VinFast được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kéo ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá |
Theo Bộ Công thương, tính chung 10 tháng đầu năm 2019, có 92.230 xe dưới 9 chỗ được nhập khẩu về, tăng hơn 150% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập khẩu 9.223 xe con, tương đương mỗi ngày có trên 300 chiếc ô tô nhập khẩu được làm thông quan. Tổng giá trị xe nhập khẩu ô tô đạt gần 1,75 tỷ USD, tăng 250% so với cùng kỳ năm trước.
So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng doanh số bán hàng của toàn thị trường đã chạm tới gần 20% càng chứng tỏ thị trường ô tô Việt Nam đang tiến gần hơn đến mô hình xã hội hóa ô tô, nhu cầu sở hữu xe hơi riêng của cá nhân cũng gia tăng theo. Đây là một trong những nhân tố chính thúc đẩy thị trường ô tô Việt Nam phát triển. Báo cáo kỳ vọng ở giai đoạn cuối 2019 đầu 2020, tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ nhanh chóng chạm ngưỡng hơn 25%, tạo dư địa lớn cho toàn ngành công nghiệp ô tô tăng tốc.
Tuy nhiên, đây lại là tin buồn với ngành công nghiệp ô tô nội địa bởi lẽ, xe lắp ráp trong nước tính đến hết tháng 10/2019 chỉ tiêu thụ được 153.100 chiếc, giảm hơn 21.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó xe nhập khẩu bán ra đạt hơn 106.000 chiếc, tăng hơn 57.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công thương cho rằng, tại thời điểm này tỷ lệ nội địa hóa đối với xe thương mại trong nước cơ bản đáp ứng các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Quy hoạch phát triển ngành ô tô, riêng với ô tô con, tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp. Cụ thể, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản thị trường nội địa (tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%, vượt chỉ tiêu so với quy hoạch ngành ô tô đề ra). Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi (ô tô con) mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, song đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Lý do là với các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… Trong khi các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô phải nhập khẩu từ nước ngoài cộng thêm các chi phí đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm…
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chủ động được các nguyên vật liệu đầu vào cơ bản phục vụ sản xuất linh phụ kiện cho ngành ôtô. Khoảng 80 - 90% nguyên liệu chính phục vụ sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao... hiện vẫn phải nhập khẩu. Tất cả được chuyển hết vào giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, đẩy chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Đồng nghĩa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có năng lực cạnh tranh kém hơn (đặc biệt về giá thành) so với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã nhận sự quan tâm và hỗ trợ rất nhiều về chính sách để phát triển, đặc biệt đã có Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ vào cuối năm 2018, nhưng cho đến nay việc triển khai các cơ chế ưu đãi và các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, dàn trải, chưa đúng nhu cầu, đặc biệt các doanh nghiệp công nghiệp khó tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai.
Bộ Công thương đang tiếp tục rà soát lại để xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập, nhất là hướng vào xây dựng các trung tâm đổi mới công nghệ và hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. “Sắp tới sẽ xây dựng 3 trung tâm công nghiệp hỗ trợ giới thiệu công nghệ tại 3 vùng để doanh nghiệp hỗ trợ của chúng ta có điều kiện tiếp cận”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề cập đến giải pháp bảo vệ công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cụ thể, dự kiến điều chỉnh chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng miễn giảm cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa. Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với ôtô nhập khẩu.