Thay đổi chiến lược kinh doanh để bứt phá
Nhân rộng cửa hàng tự động | |
Bán lẻ thế hệ mới, tương lai nằm trong sự thay đổi | |
Đi tìm sức hút thương hiệu bán lẻ |
Từ đầu năm đến nay, CTCP Thế giới di động - chủ đầu tư chuỗi hệ thống cửa hàng tiện ích Bách hóa Xanh (BHX) đã chính thức đóng 3 cửa hàng, đang và ngưng kế hoạch triển khai 7 cửa hàng. Đồng thời trong năm 2018, kế hoạch “phủ sóng” 800 - 1.000 cửa hàng theo như mục tiêu đặt ra trước đó đã được điều chỉnh giảm xuống còn 500 cửa hàng.
Ảnh minh họa |
Đại diện Thế giới di động cho biết, sở dĩ có sự điều chỉnh như vậy là do Hội đồng quản trị công ty muốn tập trung vào chất lượng trước rồi mới mở rộng số lượng. Hiện tại, các cửa hàng BHX được mở ở vị trí tốt, có doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, trong đó doanh thu hàng tươi sống đặt mục tiêu trên 40%. Riêng đối với chiến lược giá hàng tươi sống, hệ thống BHX đang bán bằng hoặc rẻ hơn giá ở chợ truyền thống.
Trong tương lai, khi chất lượng được cải tiến nhiều hơn thì khả năng cao BHX sẽ bán ngang giá chợ truyền thống. Đến nay, BHX đã làm việc với gần như tất cả các nhà sản xuất, đối tác lớn, uy tín cho nhóm thực phẩm khô và hàng tiêu dùng. Đặc biệt, thay vì len lỏi vào các khu dân cư, BHX sẽ ưu tiên mở mới cửa hàng trên các trục đường lớn dẫn vào khu dân cư đông đúc với một số tiêu chí như mật độ giao thông trung bình 300 lượt/5 phút và 10.000 nóc nhà trong bán kính 3 km...
Một “ông lớn” khác là CTCP Tập đoàn Vingroup lại coi yếu tố số lượng phải song hành với chất lượng để đảm bảo sự phát triển lâu dài. Bà Thái Thị Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vincommerce (thuộc Vingroup) chủ đầu tư hệ thống VinMart & VinMart+ cho biết, sau thời gian hoạt động đến nay, hệ thống đã có sự phát triển đa dạng, gồm các siêu thị diện tích lớn, tập trung ở các trung tâm mua sắm hiện đại, giao thông thuận lợi; và chuỗi cửa hàng tiện lợi, phân bổ giữa các khu dân cư đông đúc, mang đến cơ hội mua sắm hàng hóa và thực phẩm an toàn, thuận tiện cho người tiêu dùng trên khắp Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2017, hệ thống VinMart và VinMart+ có 65 siêu thị và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước. Công ty Vincommerce đặt mục tiêu đạt 200 siêu thị, 4.000 cửa hàng năm 2020.
“Bên cạnh quy mô, chất lượng dịch vụ, công ty luôn chú trọng đầu tư về quy trình kiểm soát chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chặt chẽ, đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đa dạng hàng đầu cho khách hàng”, bà Hải nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, ông Robert Willett, chuyên gia thị trường chia sẻ, theo kinh nghiệm quản lý hệ thống bán lẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm ở các quốc gia châu Âu, để tăng được biên lợi nhuận đạt 14 - 17% có thể mất 6 - 7 năm. Vì vậy, khi mở rộng chuỗi bán lẻ không nên vội vàng mà cần những phép “thử - sai” để điều chỉnh và cải tiến kế hoạch sao cho phù hợp. Phần lớn, những DN, công ty mới tham gia vào thị trường phải cần đến ít nhất hơn 2 năm để học việc, sau đó mới có thể đi vào hoạt động tốt hơn, chuyển từ bù lỗ đến cân bằng lợi nhuận và dần chuyển sang kinh doanh có lãi.
Theo đánh giá của một số tổ chức nước ngoài, quy mô thị trường bán lẻ tiêu dùng tại Việt Nam khoảng 60 tỷ USD/năm, trong đó dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn, còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Trong khi đó, mô hình cửa hàng tiện lợi trong khu dân cư đang kết hợp được cả hai yếu tố hiện đại của hệ thống siêu thị và gần gũi của chợ truyền thống.
Vì vậy, dư địa và tiềm năng phát triển của các chuỗi cửa hàng tiện lợi là rất lớn, điều quan trọng nhất vẫn là hướng đi, chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển cũng như tiềm lực tài chính để không “hụt hơi” giữa đường.