Thể chế cần hỗ trợ doanh nghiệp
Tất cả để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển | |
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa | |
Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt khó |
Hôm rồi, một hội thảo về điều kiện kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã phát đi nhiều thông tin gây “sốc”. Dự kiến có vài nghìn điều kiện kinh doanh hiện nay có thể bị loại bỏ ra khỏi nền kinh tế.
Nguyên do là khi áp dụng quy định tại Luật DN và Luật Đầu tư, kể từ 1/7/2016 nhiều điều kiện kinh doanh quy định tại các Thông tư đương nhiên không còn hiệu lực. Nhưng cũng chính vì vậy, nhiều Thông tư đang được gấp rút “nâng lên” thành Nghị định, và có tới 44 dự thảo Nghị định mà chỉ có khoảng một tuần để cho Bộ Tư pháp thẩm định.
Ảnh minh họa |
“DN không sợ điều kiện kinh doanh, DN chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nói vậy. Nhưng buồn là trong lúc gấp gáp hoàn thiện các Nghị định nêu trên thì nhiều quy định đảm bảo tính công khai, minh bạch và độ phù hợp của quy định luật pháp với thực tế cuộc sống chưa được tuân thủ.
VCCI cho biết đang tồn tại “8 không” trong vấn đề này, một số dự thảo đã không được đăng trên mạng, hoặc đăng không theo đúng thời gian quy định; không gửi lấy ý kiến DN; không tổ chức hội thảo; không đánh giá tác động; không tổng kết thi hành; không kiểm soát thủ tục hành chính; không bản thuyết minh; không bản giải trình, tiếp thu ý kiến.
Nếu các thủ tục hành chính đối với người dân và DN mà được thực thi nhanh thế thì là điều mừng. Nhưng trong câu chuyện này nhanh quá hóa ngại. Vì sao phải vội vã “nâng cấp” Thông tư lên Nghị định như vậy? Phải chăng vì lợi ích tiền tỷ các điều kiện kinh doanh đem lại cho bộ chủ quản, khiến các cơ quan này phải gấp rút ban hành Nghị định bất chấp các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật?
Đó là những câu hỏi đang được DN đặt ra, trong bối cảnh hội nhập với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay thì nhiều điều kiện kinh doanh được cho là “trói chân” DN; đặc biệt khi mà tinh thần “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” đã được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp Chính phủ, gặp gỡ DN và doanh nhân thời gian gần đây.
Với một nền kinh tế quy mô còn nhỏ so với dân số và những lợi thế vị trí địa lý, đa dạng nguồn tài nguyên, lực lượng lao động có trình độ như Việt Nam, chúng ta đã xác định hội nhập thế giới bằng các DN tư nhân. Trong các mục tiêu được đặt ra đến năm 2020, Chính phủ có đề cập đến việc phát triển 1 triệu DN. Để làm được như vậy thì các điều kiện ràng buộc kinh doanh, gây khó cho DN phải được loại trừ càng sớm càng tốt.
Ở điểm này, tư tưởng Chính phủ kiến tạo và phục vụ là một chuẩn mực mới và quan trọng. Sẽ chẳng có giá trị gì khi Chính phủ khuyến khích các DN phát triển, trong khi các quy định trên thực tế lại trói buộc sự phát triển của họ.
Bởi đằng sau những điều kiện kinh doanh nhiều lúc rất xa rời thực tế, còn là vấn nạn “tham nhũng vặt”, tạo ra những chi phí “dưới gầm bàn” mà DN phải chịu. Gần đây, có quá nhiều doanh nhân phản ánh chuyện chi phí “ngầm” lớn đến mức họ không chịu đựng được. Tất cả đều do những quy định về điều kiện kinh doanh “tréo ngoe” gây ra.
Thế nên chuyện kinh doanh hiện nay còn phổ biến là đi đường thẳng thì vướng, vòng tránh thì tốn phí. Một môi trường kinh doanh như vậy khó mà để đất phát triển cho DN. Đó có lẽ cũng là một góc độ đáng quan tâm mà lời cảnh báo “DN chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch” của ông Tuấn đã nêu.
Một nền kinh tế muốn phát triển phải đảm bảo xây dựng các chính sách phù hợp thực tế, đảm bảo các bên tham gia từ người dân, DN đến các cơ quan quản lý tuân thủ đúng các quy định. Khi đó, thể chế với các quy định, hay trình tự thủ tục… mới thực sự hỗ trợ cho DN phát triển. Cũng như với điều kiện kinh doanh, trước khi được “Nghị định hóa” thì nên xem lại có cần tồn tại hay không. Và nếu cần, việc hoàn thiện Nghị định cần phải kỹ lưỡng hơn, chứ đừng cố gắng “phổ cập” Nghị định…