Thị trường Chứng khoán quý II: Sự bứt phá cầm chừng
“Vùng trũng” chứng khoán tháng 5: Không phải lúc nào cũng đúng | |
Cổ phiếu ngành Ngân hàng: Những tín hiệu sáng | |
Thương hiệu BCI đã đuối sức? |
Theo ông Trần Minh Hoàng, Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại Thương Việt Nam, bước đột phá trong quý II/2016 là thời điểm VN-Index chính thức vượt ngưỡng 580 lên hơn 614,06 điểm vào ngày 11/5 nhờ các yếu tố hỗ trợ như dòng tiền và sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trụ cột.
Một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành bất động sản, thực phẩm tiêu dùng, dầu khí như: VIC, VNM, GAS… lấy lại được vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số nhờ các tin tức hỗ trợ cá biệt như kết quả hoạt động kinh doanh, tiến trình nới room cho nhà đầu tư ngoại hay việc rủi ro từ thị trường chứng khoán thế giới tạm lắng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, khối ngoại bắt đầu giải ngân vào thị trường sau chuỗi bán ròng mạnh giúp cải thiện yếu tố dòng tiền. Diễn biến này đồng thời hỗ trợ không nhỏ tâm lý của nhà đầu tư nội. Ngoài ra, việc nới room cho nhà đầu tư ngoại cũng phần nào tác động đến thị trường.
“Mùa đại hội cổ đông đi vào giai đoạn cao điểm trong tháng 4 cùng với đó là thông tin về tiến trình thông qua ý kiến cổ đông về việc tiến hành nới room cho nhà đầu tư ngoại hay các thủ tục cần thiết để bước đầu hiện thực hóa Nghị định 60, dù không quá ồ ạt và được tiến hành ở một số DN cá biệt như: VNM, DHG, DMC, REE… nhưng các thông tin này có thể trở thành điểm sáng trong bối cảnh triển vọng chung trên thị trường không quá lạc quan”, ông Hoàng giải thích thêm.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, do làn sóng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhằm đón đầu hiệp định thương mại TPP đã góp phần duy trì triển vọng kinh doanh sáng tại một số các nhóm ngành như bất động sản, hạ tầng công nghiệp, vật liệu xây dựng, cảng biển… Cùng với đó là tâm lý kỳ vọng một số cổ phiếu cá biệt sẽ có khả năng chiến thắng thị trường.
Thế nhưng, vẫn có các yếu tố rủi ro tiềm ẩn khiến thị trường có thể chứng kiến nhịp đảo chiều vào nửa sau quý II. “Trong giai đoạn tháng 6, không loại trừ khả năng thị trường đảo chiều suy giảm”, một chuyên gia nhận định.
Có nhiều yếu tố tác động nhận định này, song theo ông Trần Minh Hoàng, yếu tố đầu tiên có thể kể đến là nền kinh tế trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Cụ thể, GDP trong quý I chỉ đạt 5,46%. Đáng chú ý, dấu hiệu chững lại của lĩnh vực sản xuất tiếp tục được thể hiện khi ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 9% của quý I/2015.
Bên cạnh đó, triển vọng không lạc quan của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc đã và đang có ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy nhiều đánh giá tỏ ra khá thận trọng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II cũng như cả năm 2016.
Một yếu tố khác là giá cả các loại hàng hóa đang có dấu hiệu suy giảm trở lại sau quãng thời gian hồi phục khá bởi sự phục hồi này không đi kèm các yếu tố cơ bản, nhất là sự ấm lên từ nền kinh tế. Cùng với đó, giai đoạn cuối quý II được cho là vùng trũng thông tin khi các kết quả kinh doanh năm 2015 đã được phản ánh và mùa đại hội cổ đông dần chấm dứt trong khi kết quả kinh doanh bán niên vẫn chưa được công bố hoặc rò rỉ ra ngoài.
Các chuyên gia nhận định, đến thời điểm hiện tại, trả lời câu hỏi tháng 5/2016, thị trường sẽ tăng hay giảm điểm là khó. Trong khi một số nhận định tỏ ra lo ngại với mốc 600 điểm, thì VN-Index đã chính thức vượt qua 614 điểm trong phiên giao dịch ngày 11/5.
“Nếu tính thời gian đến nay đã gần 1 tháng, điểm số VN-Index chạy từ 550 điểm lên đến 614 điểm. Chúng tôi kỳ vọng có thể điểm số sẽ lên khoảng 620 điểm nhưng có lẽ đến thời điểm này cũng khó có thể tự tin là sẽ có sự bứt phá”, ông Hoàng nhìn nhận. Bởi trên thực tế đã có chu kỳ tăng từ giữa tháng 4 và kéo dài đến nay. Một số chuyên gia chứng khoán khác thì cho rằng có lực cản rất lớn là động lực mới của nền kinh tế không có, còn các thông tin xấu tương đối nhiều.