Thiếu dữ liệu cho vay khu vực FDI
DN FDI hãy đến với Việt Nam với khối óc và trái tim | |
Mối quan hệ DN FDI – DN nội địa và vũ điệu ba người | |
Không lơ là dự án FDI vay vốn trong nước |
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã lên đến 350,74 tỷ USD, trong đó riêng khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 226,21 tỷ USD, tương đương 64,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Với vai trò là kênh tiếp vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn lưu động cho các DN, các TCTD có thể coi đây là một thị trường rộng lớn để bán sản phẩm dịch vụ tài chính.
Trên thực tế, các công ty nước ngoài bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam luôn luôn có những định chế tài chính nước họ theo sau cung cấp các sản phẩm tài chính. Tuy nhiên cũng có rất nhiều nhà đầu nước nước ngoài đến Việt Nam là các công ty quy mô vừa và nhỏ, ít tên tuổi, không được công ty mẹ chỉ định vay vốn ở đâu, sử dụng dịch vụ tài chính ở ngân hàng nào. Các DN này lại có điểm chung là hoạt động khá bài bản, công nghệ, máy móc thiết bị tương đối hiện đại... Tuy nhiên, vướng mắc lại nằm ở một góc độ khác.
Một số NHTMCP đã mở những bàn phục vụ khách hàng FDI, nhưng thị phần chưa nhiều |
Yếu tố chuyển giá của các DN FDI trong những năm gần đây làm các ngân hàng trong nước ngại tiếp cận và mở rộng thị phần vào đây. Theo một cán bộ phụ trách cho vay các DN FDI của VietinBank ở tỉnh Bình Dương, có những trường hợp khi tới khảo sát hoạt động sản xuất cực kỳ nhộn nhịp, xe ra vào nhập xuất hàng tấp nập, thậm chí phải xếp hàng chờ đến lượt nhận hàng. Doanh thu hàng tháng cả trăm tỷ đồng… Nhưng, hồ sơ của DN ở cơ quan thuế lại ghi nhận tình trạng lỗ, âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng, qua mỗi năm lại tăng lên. Ngoài xã hội, DN vẫn phơi phới, chẳng có biểu hiện gì là một DN lỗ trầm kha?
Trên thực tế, các ngân hàng khó cho vay vốn vào các DN FDI quy mô vừa và nhỏ thì rất khó thu thập thông tin, thiếu cơ sở đánh giá tài sản. Bên cạnh đó, thông tin tín dụng của các DN FDI hiện nay như một ẩn số đối với các ngân hàng trong nước. Đặc biệt, thông tin tín dụng của công ty mẹ ở nước ngoài thì các TCTD trong nước gần như mù tịt.
Nhiều NHTM đã có chính sách mở rộng tín dụng vào các DN mới thành lập có kế hoạch tài chính rõ ràng, phương án khắc phục lỗ (nếu có)… Đối với các DN thuộc các tập đoàn mạnh, có tên tuổi trên thế giới, các ngân hàng cũng xây dựng nhiều sản phẩm, dịch vụ mở thư tín dụng (L/C), chiết khấu bộ chứng từ, bao thanh toán… với biểu giá phí, lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn khó tiếp cận các DN này vì họ chủ yếu được công ty mẹ bảo lãnh vay ngân hàng nước ngoài với lãi suất hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, các DN FDI cho rằng dịch vụ của các ngân hàng nội còn chưa linh hoạt, ví như hoạt động cho vay tuần hoàn các NHTM chỉ mở ra trong thời gian ngắn (3 hoặc 6 tháng), căn cứ theo vòng quay vốn lưu động. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thường duyệt cấp thời hạn 12 tháng. Điều này cũng làm các DN FDI chưa mặn mà quan hệ với ngân hàng nội.
Chưa kể các DN FDI còn có những hình thức chứng minh năng lực tài chính và hoạt động kinh doanh rất đa dạng để tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Đơn cử, thời gian qua trang web bán hàng qua mạng quốc tế Alibaba.com (Trung Quốc) đã có đội ngũ đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… thu thập thông tin và mời các công ty có vốn Trung Quốc đăng ký thành viên vàng chuyên cung ứng hàng hóa sản xuất ra cho trang web này phân phối trên toàn cầu.
Theo đó, DN sản xuất hàng hóa sẽ bỏ ra một chi phí nhất định cho đội ngũ thu thập thông tin của Alibaba như một chi phí thẩm định. Nhà bán hàng trực tuyến này sẽ cấp một hạn mức vốn dựa trên cơ sở đánh giá xếp hạng tín nhiệm năng lực sản xuất của DN đối tác cung ứng hàng hóa cho họ. Hầu hết những công ty của Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam khi đã được Alibaba cấp thẻ hạn mức này đều được đăng trên trang web, nếu có rủi ro trong thanh toán, giao nhận hàng sẽ được Alibaba bảo hiểm. Đặc biệt, các NHTM Trung Quốc thấy thông tin này lập tức cho DN FDI đó vay vốn theo hạn mức dựa trên bản thẩm định của Alibaba.
Nói như thế không có nghĩa các ngân hàng trong nước không có cơ hội tiếp cận DN FDI. Vì sao các ngân hàng nước ngoài làm được mà ngân hàng trong nước thì không? Giải được câu hỏi đó thì cầu nối quan hệ tín dụng với DN FDI sẽ hình thành. Chiếm gần 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, khối DN FDI như một khoảng trống trong cung cấp dịch vụ ngân hàng, đang chờ các NHTM trong nước lấp đầy.
Ông Nguyễn Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nam Việt (TP. Hồ Chí Minh), cho biết từ những năm 2007-2008 công ty đã nộp 60 USD đăng ký tham gia Alibaba và được cấp một hạn mức 80.000 USD, cộng với phí thường niên 1.000 USD (mức phí này hiện nay khoảng 3.600 USD) khi giao dịch mua bán hàng hóa, nguyên phụ liệu giữa các DN diễn ra qua Alibaba; được Alibaba bảo đảm thanh toán trả thay trong hạn mức được cấp nếu xảy ra trường hợp đối tác vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, những DN Trung Quốc tham gia vào hệ thống Alibaba chỉ cần có L/C sẽ được các ngân hàng tài trợ đến 50% giá trị L/C trong khi tại Việt Nam hiện DN vẫn đang sử dụng bộ chứng từ để chiết khấu. |