Thống đốc làm việc với ngành Ngân hàng Gia Lai
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai, năm 2018, mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động bất lợi, giá cả hàng hóa của nhiều mặt hàng, nhất là nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu... liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng xấu đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hộ gia đình. Đồng thời, dịch bệnh, thiên tai cũng góp phần làm cho tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Trong bối cảnh đó, ông Cư cho rằng, với sự chủ động ban hành các chương trình, đề ra các giải pháp thực hiện của chính quyền địa phương, của ngành Ngân hàng nên nền kinh tế địa phương có sự chuyển biến tích cực, duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai đã kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, kịp thời nắm bắt tình hình, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các TCTD trên địa bàn. Nhờ đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như cho vay hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay DNNVV…
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng, đặc biệt là các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh; tập trung nghiên cứu triển khai, đa dạng hóa các phương thức cho vay phù hợp theo quy định hiện hành, áp dụng các thời hạn cho vay phù hợp để tạo điều kiện cho người dân trong việc vay vốn và trả nợ vốn vay, hạn chế tối đa việc người dân phải sử dụng vốn vay từ hoạt động tín dụng đen, với lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm đối với những cán bộ vi phạm…
Ông Cư khẳng định, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Ngân hàng Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 2/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 33,9 ngàn tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay gần 87,7 ngàn tỷ đồng; nợ xấu là 1.516 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,73% tổng dư nợ.
Hoạt động ngân hàng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế địa phương, với tổng sản phẩm (GRDP) năm 2018 tăng 8,0% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu đạt 470 triệu USD, tăng 4,44% so với cùng kỳ.
Ông Phan Tiến Thu, Giám đốc Agribank Đông Gia Lai cho biết thêm, đầu tư tín dụng trên địa bàn đạt trên 10 ngàn tỷ đồng, 85% dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân với 39.100 khách hàng trong tổng số 40.000 khách hàng giao dịch tại chi nhánh. Những năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt trên 17,5%, phù hợp với nhu cầu vốn địa phương.
Với đặc thù là vốn vay tiêu dùng nhỏ, bình quân dưới 200 triệu đồng mỗi món, chiếm đến 75% lượt khách hàng vay vốn, vì vậy, giải pháp cho vay qua tổ vay vốn, tổ liên kết với các hội đoàn thể chính trị - xã hội địa phương là phương thức hiệu quả, đồng thời, mang tính khách quan, cần triển khai để chuyển tải vốn đến các tầng lớp nhân dân. Hiện chi nhánh có 657 tổ với 12.865 thành viên; bình quân 20 thành viên mỗi tổ; với tổng dư nợ 889 tỷ đồng.
Do đó, thời gian tới sẽ đẩy mạnh sản phẩm vay vốn qua tổ, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn thể. Đồng thời, nâng mức cho vay để tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đối với nông dân vay vốn đầu tư, chăm sóc cây hồ tiêu trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, do giá hồ tiêu liên tục sụt giảm và nhiều vườn tiêu bị thiệt hại do tác động bởi thời tiết thất thường, nhiều hộ trồng tiêu trên địa bàn Gia Lai đang đối mặt với việc không đủ khả năng trả nợ ngân hàng, đại diện Vietcombank và các TCTD cho vay đầu tư, chăm sóc cây hồ tiêu kiến nghị NHNN có chủ trương, tạo điều kiện cho các TCTD cho người dân vay thêm để phục hồi sản xuất đối với cây tiêu, để người dân có điều kiện trả nợ vốn vay ngân hàng. Cùng với đó là giữ nguyên nhóm nợ từ 3-5 năm, kết hợp với các giải pháp cơ cấu lại nợ hoặc khoanh nợ cho các hộ dân gặp thiên tai dẫn đến cây tiêu chết hàng loạt…
Đối với việc giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen, đại diện BIDV Gia Lai cho rằng, NHNN cho phép các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới đến các địa bàn, mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng, cải cách các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận…
Đồng quan điểm, ông Đinh Duy Vượt, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cũng cho rằng ngành Ngân hàng và các ngành chức năng cần tập trung giải quyết vấn đề khó khăn hiện nay là có giải pháp “giải cứu” cho người trồng tiêu đang đối mặt với khó khăn. Vậy nên, cần có biện pháp giãn nợ, cơ cấu nợ, hoặc khoanh nợ… để nông dân có điều kiện tái sản xuất…
Phát biểu tại buổi làm việc với ngành Ngân hàng Gia Lai, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu các TCTD trên địa bàn quan tâm đầu tư tín dụng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng của các TCTD nhằm đảm bảo hoạt động cho vay theo đúng pháp luật.
Đối với các TCTD, Thống đốc yêu cầu ưu tiên mở rộng mạng lưới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng như đẩy mạnh công tác huy động vốn trong các tầng lớp dân cư; khuyến khích các TCTD liên kết với các hội đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh hoạt động cho vay tín chấp thông qua tổ vay vốn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục, quy trình cho vay; áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng…