Thu hút đầu tư vào công nghệ cao
Doanh nghiệp vào khu công nghệ cao: Chào đón và tạo điều kiện tốt nhất | |
Đà Nẵng được hưởng một loạt cơ chế đặc thù |
Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao |
Mới đây, tại buổi đối thoại trực tuyến “Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng, thực trạng và giải pháp”, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, với những yếu tố thuận lợi Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tính đến nay, thành phố đã triển khai 26 dự án theo hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), với số vốn 2.600 tỷ đồng, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp nước, thoát nước...
Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại khi thu hút vào những lĩnh vực đầu tư mà Đà Nẵng kỳ vọng như, công nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, logistics lại còn rất hạn chế.
Với chủ trương hỗ trợ những lĩnh vực có thế mạnh, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực như, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” và có nền công nghiệp phát triển.
Ngoài ra, địa phương khuyến khích các dự án đầu tư có nguồn nguyên liệu đảm bảo, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Đồng thời hạn chế các dự án sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, chế biến thô, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Hỗ trợ các nhà đầu tư, Đà Nẵng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017 trên địa bàn; ban hành các quyết định phê duyệt đề án “Phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020”, nhằm phát triển các DN mạnh về chất lượng và nhiều về số lượng.
Tiếp sức cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ có các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu phát triển công nghệ; đổi mới, cải tiến công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường. Địa phương còn những ưu đãi về tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải; được vay vốn tín dụng đầu tư tại quỹ đầu tư phát triển thành phố.
Ngoài ra, để giải quyết những khó khăn về mặt bằng sản xuất của các DN, trong đó có DN công nghiệp công nghệ cao Đà Nẵng sẽ thành lập mới 3 KCN gồm, Hòa Cầm - Giai đoạn 2 (110 ha), Hòa Ninh (200 ha), Hòa Nhơn (483,57 ha) và 7 cụm công nghiệp khác trên địa bàn.
Xác định Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư tiềm năng, có nhiều thế mạnh trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao, theo bà Lê Thị Thu Hạnh, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần mở thêm đường bay trực tiếp giúp DN Nhật Bản đến địa phương dễ dàng hơn; Đầu tư hạ tầng các KCN, đáp ứng với nhu cầu DN Nhật Bản; Mở thêm các văn phòng đại diện Đà Nẵng ở các địa phương khác của Nhật Bản, đặc biệt tại Osaka, Yokohama, Fukuoka, Sapporo, Okinawa để giới thiệu và kết nối DN, hỗ trợ các công tác tổ chức hội thảo, tổ chức đoàn DN khảo sát môi trường đầu tư.
Đồng thời chú trọng đào tạo nhân lực các ngành cơ khí chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và tiếng Nhật. Bên cạnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đăng tải công khai, minh bạch về các quy định luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đất đai và các thủ tục hành chính...