Thu hút FDI: Địa phương cương quyết “chọn-bỏ”
FDI 4 tháng: Mới phấn khích, cũ hụt hơi | |
Doanh nghiệp ngoại tăng mở rộng đầu tư |
Đây cũng là trăn trở chung của lãnh đạo các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhằm tránh tình trạng chạy đua thu hút đầu tư, mà đã có lúc dẫn tới “cuộc đua xuống đáy” trong hơn 30 năm qua.
Thu hút FDI phải gắn với các yêu cầu nghiêm ngặt về khoa học công nghệ, năng suất lao động, sử dụng đất và bảo vệ môi trường |
Cần cả quyền lựa chọn và quyền từ chối
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lũy kế đến ngày 20/03/2019, cả nước có 28.125 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 346,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 195,6 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với 45,2 tỷ USD (chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33,1 tỷ USD (chiếm 9,6% tổng vốn đầu tư), Bình Dương với 32,3 tỷ USD (chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư).
Đánh giá về công tác thu hút đầu tư tại các địa phương, Bộ KH&ĐT cho rằng, các địa phương có cách làm khác nhau, song đều rất sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình của mình, mục đích là nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đón được dòng đầu tư có chất lượng. Đơn cử như Hải Phòng, Bắc Ninh với chủ trương chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, đất đai, nhân lực, thủ tục hành chính… Hà Nội với vị trí là trung tâm chính trị - kinh tế-văn hoá đặt chủ trương cải thiện môi trường đầu tư song song với môi trường sống, học tập, lao động…
Tuy nhiên, các chuyên gia về FDI cũng chỉ ra những thiếu sót của chiến lược thu hút FDI ở tầm quốc gia. Theo đó, do thiếu quy hoạch tổng thể, nên việc thu hút đầu tư nước ngoài còn dàn trải, chưa tập trung được nguồn lực theo hướng ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, vùng, lãnh thổ. Việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư còn phụ thuộc vào tính chủ động của từng địa phương mà thiếu định hướng từ các bộ, ngành trung ương. Vì vậy đã dẫn đến chuyện nguồn lực quá tập trung vào các địa bàn phát triển, trong khi khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa lại thiếu dự án để làm động lực bứt phá.
GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài chỉ ra thực trạng là hiện nay, trình độ phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chênh lệch khá nhiều. Vì vậy cần có chiến lược thu hút trọng tâm, trọng điểm vào từng địa bàn để phù hợp với năng lực, trình độ.
Theo đó, hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chiếm khoảng 45% GDP và thu ngân sách chiếm một nửa của cả nước, trình độ cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, hai thành phố này phải đi đầu trong việc phát triển công nghệ tương lai thích ứng với công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, 15-17 tỉnh có thu hút FDI lớn như Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai… phải có định hướng vào công nghệ hiện đại, chính sách ưu đãi cũng phải thích ứng. Còn các địa phương kém phát triển phải định hướng vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đào tạo nhân lực… để thu hút các dự án, kể cả các dự án thâm dụng lao động, sau đó chuyển nhanh sang các dự án công nghệ cao.
“Ngoài đổi mới sáng tạo, cần nhấn mạnh quyền lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp. Chúng ta phải biết chấp nhận ai, không chấp nhận ai; phải biết khuyến khích các dự án đầu tư và từ chối dự án nào không nên khuyến khích”, ông Mại nhấn mạnh.
Địa phương đã sẵn sàng?!
Từ phía các địa phương, hiện nay đang có những đề xuất chung theo hướng với các thành phố lớn và trung tâm nên thu hút đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn, cần ít lao động. Những DN cần nhiều lao động thì ưu tiên đưa về các tỉnh xa hơn, vừa đảm bảo việc làm, vừa phát triển địa phương, vừa tránh tạo áp lực hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cho các thành phố lớn.
Để thực hiện được chiến lược này, ông Nguyễn Tử Quỳnh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ KH&ĐT cần phát huy vai trò điều phối và phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược xúc tiến đầu tư tổng thể quốc gia, cũng như cho từng vùng và từng địa phương.
Ông Quỳnh cũng lưu ý rằng hiện nay các địa phương rất khó thu hút đầu tư có chọn lọc do vướng mắc pháp lý. Bởi lẽ theo các cơ chế, chính sách hiện hành thì DN có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, và luật cũng không quy định về mức vốn đầu tư tối thiểu của dự án. Vì vậy, ông Quỳnh cho rằng cùng với việc thực hiện các định hướng điều chỉnh quy hoạch vùng và tỉnh, cũng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để địa phương có thể nói lời từ chối với các dự án không phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Hải Phòng cũng lo ngại, với thực tế quỹ đất ngày càng hạn hẹp, cần thu hút FDI có chọn lọc, không bằng mọi giá, phải gắn với các yêu cầu nghiêm ngặt về khoa học công nghệ, năng suất lao động, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.
Từ quan điểm địa phương, ông Tùng đề xuất cần được làm rõ và phân tích sâu hơn về cách mạnh 4.0 và hiệu lực cũng như tác động của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Ngoài ra, các nội dung sửa đổi chính sách, pháp luật, như Luật Đầu tư 2014 cũng cần được quán triệt thống nhất tới từng tỉnh, thành phố.
Chia sẻ về định hướng của Hải Phòng, ông Tùng cho biết giai đoạn tới sẽ tập trung thu hút vốn ngoại vào các lĩnh vực quan trọng và sự phát triển cơ sở hạ tầng; nghiên cứu sự chuyển hướng của các NĐT có tiềm năng; tăng cường thu hút các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn từ EU, Hàn Quốc…; thu hút vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; ưu tiên dự án đầu tư vào khu cụm công nghiệp để kiểm soát tác động môi trường…
Đối với Hà Nội, lãnh đạo thành phố cho hay sẽ thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động trao đổi sớm với các NĐT thông qua nhiều kênh khác nhau như Cục Đầu tư nước ngoài, các hiệp hội DN nước ngoài, các diễn đàn… và tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cao cấp của các đối tác.
“Cần chú ý nắm bắt xu thế phát triển của các ngành nghề để định hướng thu hút, ví dụ xu hướng phát triển của lĩnh vực logistics, hoặc dự báo về sự biến mất của các trung tâm thương mại lớn, trên cơ sở đó xác định có nên thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nữa hay không”, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Giai đoạn 2019-2020, Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của tỉnh, thành phố trong vùng. Đó là các lĩnh vực như đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; sản xuất, gia công, trong đó ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản và thực phẩm, áp dụng công nghệ mới, tự động hoá, in 3D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo; lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao như công nghệ thông tin, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế…
Ngoài ra, Hà Nội xác định cần tập trung xúc tiến đầu tư vào các thị trường, quốc gia trọng điểm ở 3 khu vực lớn là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản – Hàn Quốc, cũng như các tập đoàn lớn.
Với thực tế quỹ đất ngày càng hạn hẹp, cần thu hút FDI có chọn lọc, không bằng mọi giá, phải gắn với các yêu cầu nghiêm ngặt về khoa học công nghệ, năng suất lao động, sử dụng đất và bảo vệ môi trường. |