Thu hút lao động kỹ thuật cao: Không chỉ bằng lương
Một DN vốn FDI Nhật Bản chuyên về lĩnh vực sản xuất phầm mềm tại KCX Tân Thuận (Quận 7, TP. HCM) đang có nhu cầu tuyển dụng 5 chuyên viên, quản lý kỹ thuật với mức lương trung bình 800 – 1.000 USD/tháng.
Ngoài ra, công ty cũng đã “treo” mức lương lên đến hơn 2.000 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng đối với vị trí lập trình viên, ưu tiên người biết tiếng Nhật và có kinh nghiệm.
Không chỉ với mức lương được đánh giá là khá hấp dẫn, công ty này còn cam kết sẽ tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong một môi trường rộng mở, trải nghiệm nhiều ứng dụng kỹ thuật mới, nhất là người lao động cũng có cơ hội đi tu nghiệp tại Nhật Bản nếu có thâm niên gắn bó từ 2 -3 năm trở lên...
Công nhân kỹ thuật cao hiện vẫn đang rất khan hiếm |
Thời gian qua, không chỉ các DN có vốn nước ngoài mà rất nhiều DN trong nước có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân sự có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao để bổ nhiệm, bố trí vào một số vị trí chủ chốt.
Ngoài mức lương đưa ra cao gấp 4 – 5 lần so với mức lương thông thường, phần lớn các DN này còn hứa hẹn với người lao động về môi trường làm việc thuận lợi, được học hỏi, nghiên cứu, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tu nghiệp nâng cao trình độ và cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Đặc biệt ở một số lĩnh vực như điện tử viễn thông, tin học, cơ khí chế tạo, hóa dược phẩm... đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn cử, như đối với lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam cần khoảng 1 triệu người đến năm 2020 (gấp đôi thời điểm hiện tại), riêng TP. HCM cần 100.000 người phục vụ cho 10.000 DN trong năm 2015.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM cho biết, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhu cầu lao động trình độ cao có xu hướng gia tăng nhanh, tập trung ở một số lĩnh vực quan trọng, tạo ra lợi nhuận cao cho DN và giá trị gia tăng nhanh cho nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, việc dịch chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ hơn, điều này sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đối với thị trường lao động các nước.
Cũng là DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, CTCP Công nghệ Tiên Phong (Quận 7, TP. HCM), hiện đang sử dụng 350 lao động, chủ yếu là trình độ kỹ thuật cao lại có mối quan tâm khác. Đó chính là giữ chân được nguồn nhân lực mà công ty coi đây là yếu tố tiên quyết làm lên thương hiệu và sự phát triển của DN.
Hiện, mức lương trung bình chi trả cho mỗi cán bộ, nhân viên của công ty khoảng 12 triệu đồng/tháng, riêng đối với những vị trí quan trọng, chủ chốt có thể cao gấp 5 - 6 lần. Nhưng quan trọng hơn, công ty luôn tạo ra môi trường làm việc thân thiện, phúc lợi tốt, cơ hội thăng tiến cho người lao động để gắn bó lâu dài.
Tuy nhiên, theo ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty Tiên Phong, đến nay Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC), có cam kết về sự tự do chuyển dịch lao động... Điều này vừa là thuận lợi, song cũng tạo nhiều thách thức cho các DN trong nước.
Trước hết, nếu không xây dựng được chính sách tốt với người lao động thì nguy cơ bị mất người, “chảy máu” những nhân sự chủ chốt, trình độ cao có thể xảy ra, và điều này càng bất lợi nếu họ tham gia “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh, DN nước ngoài.
“Ngược lại, một lực lượng lao động giỏi, có kinh nghiệm từ các quốc gia khác tham gia hội nhập tại thị trường Việt Nam cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội lựa chọn, bổ sung nguồn nhân lực mới với trình độ, chuyên môn cao cho chính những DN trong nước” – ông Quân nói.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Bá Ngọc, Viện Khoa học lao động và Xã hội cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu lao động hiện nay là theo hướng tích cực, hiện đại và dần nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động. Việt Nam cần có chiến lược cải thiện và nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Ở phía người sử dụng lao động là các DN, công ty trong và ngoài nước, cũng cần có những chính sách tuyển dụng, giữ chân người lao động hợp lý, bởi đây chính là lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị, lợi nhuận cho mỗi DN, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên thương trường quốc tế.