Thu hút nhà đầu tư chiến lược: Cần tạo nền tảng để có lãi ngay khi CPH
Cổ phần hóa DNNN: Thách thức thu hút vốn ngoại | |
Phương án cổ phần hóa DN quuy mô lớn phải do Thủ tướng phê duyệt | |
Cổ phần hóa DNNN chỉ đạt 90% kế hoạch |
Đánh giá về bức tranh cổ phần hóa (CPH) DNNN trong thời gian qua, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, đây là một chương trình dài hơi của Chính phủ. Trong vòng vài năm trở lại đây, Chính phủ đã quyết tâm đẩy mạnh tiến độ cũng như chất lượng của công tác CPH, nhưng vẫn dựa trên quan điểm là không bán DN bằng mọi giá, mà phải bán đúng giá thị trường, vừa tạo điều kiện cho DN phát triển, vừa đóng góp cho nền kinh tế - xã hội chung của đất nước.
“Tôi cho rằng, việc thực hiện CPH là một nguồn hàng rất quan trọng cho thị trường chứng khoán, giúp thị trường tăng trưởng mạnh hơn về quy mô vốn hóa. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng, thì việc đẩy mạnh quá trình CPH DNNN là điều rất hợp lý”, ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết.
Trên thực tế, trong quá trình bán đấu giá cổ phần các DNNN, bên cạnh những phiên bán đấu giá rất “hot” thì vẫn còn không ít các phiên khá “ế ẩm”. Vậy, DN muốn CPH cần làm gì để thu hút nhà đầu tư tham gia nhiều hơn. Ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho rằng, để gia tăng sự hấp dẫn của DN trong mắt nhà đầu tư, các DNNN, nhất là các DN lớn, cần chú ý tới công tác sắp xếp lại công ăn việc làm cho người lao động.
Ảnh minh họa |
Cùng với đó, cần giải quyết được những tồn đọng từ lúc còn là DNNN để khi chuyển mình sang CTCP sẽ hoạt động thuận lợi và có lãi ngay. Khi DN làm tốt điều này thì mới tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với quá trình CPH nói chung. “Tôi nghĩ đây là một điểm rất quan trọng mà các Ban chỉ đạo CPH ở trung ương, cũng như địa phương nên lưu ý”, ông Trung khuyến cáo.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng không nên CPH theo hướng chỉ bán một lần là xong, tức là cần có câu chuyện hậu mãi. Điều này có nghĩa là, khi nhà đầu tư tham gia tích cực vào quá trình CPH của DN, thì họ sẽ có được những ưu đãi nhất định. Chẳng hạn, vẫn duy trì các ưu đãi hiện nay dành cho DNNN, hoặc ít nhất cũng trong một thời gian nhất định, để có thể duy trì được hoạt động sản xuất của các DN này.
Chúng ta nên tránh sự thay đổi đột ngột từ việc đang được hưởng ưu đãi, khi chuyển sang CTCP thì bị cắt toàn bộ và ngay lập tức, dẫn tới việc DN khó duy trì hoạt động và nhà đầu tư mất niềm tin. Rõ ràng, việc CPH như thế này vừa giúp cho nhà đầu tư và cả Nhà nước có thể giải quyết được bài toán về vốn, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là sự minh bạch – yếu tố rất cần thiết cho nền kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa thực sự “mặn mà” tham gia vào quá trình CPH DNNN, nguyên nhân có thể do nguồn vốn của họ còn yếu. Ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho rằng, nguồn vốn không phải là vấn đề lớn hiện nay của các nhà đầu tư chiến lược khi muốn tham gia vào DN CPH. Bởi khi nhà đầu tư muốn thực sự trở thành cổ đông chiến lược thì họ đã có sẵn nguồn vốn rồi, chứ không phải đến lúc cần mua cổ phần DN nào đó mới đi huy động vốn trên thị trường. Tất nhiên, luồng tiền chảy trong nền kinh tế không phải là vô biên, nhưng các giao dịch càng nhiều thì vòng quay vốn càng lớn và hiệu quả sử dụng vốn càng tốt. Do vậy, trong nền kinh tế nếu có 100 đồng thì không có nghĩa chỉ vỏn vẹn 100 đồng.
Ông Trung chia sẻ nhà đầu tư chiến lược vẫn nhìn thấy tiềm năng để số vốn của họ tiếp tục được sinh sôi, thì họ sẽ vào đầu tư. Điều này cũng đã được thực tế chứng minh trong khá nhiều phiên đấu giá, khi có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia với lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng và với một mức giá rất cao. Do vậy, những phiên này rõ ràng là có lợi cho Nhà nước, nhưng chắc chắn các nhà đầu tư cũng đã có tính toán chặt chẽ để đem lại lợi ích cho mình.
“Bởi vậy, tôi xin nhấn mạnh rằng, đúng là nguồn vốn là một yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng thị trường này, nhưng đó không phải là khó khăn nhất hiện nay”, ông Nguyễn Vũ Quang Trung nhận định.