Tích tụ ruộng đất nâng cao chuỗi giá trị nông sản
Báo động tình trạng phá hoại nông sản | |
Tái cơ cấu để nâng giá trị nông sản |
Còn nhiều tồn tại
Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT về giải pháp khuyến khích DN tham gia liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản cho thấy thời gian qua, mặc dù có sự phát triển mạnh ở khâu sản xuất và tăng trưởng mạnh về thị trường, nhưng khâu tổ chức phân phối còn yếu, liên kết giữa DN với các đối tác trong chuỗi giá trị vẫn chưa bền vững, chưa phát triển phổ biến.
Quy mô đất đai của hộ nông dân còn nhỏ lẻ, manh mún |
Nguyên nhân cơ bản của những vướng mắc trên, theo đại diện Bộ NN&PTNT là do quy mô đất đai của hộ nông dân nhỏ lẻ, manh mún. Hiện cả nước có hơn 27 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó đã giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng khoảng 15 triệu ha, chiếm 55% tổng diện tích. Bình quân diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 0,46 ha/hộ và được chia thành 2,83 mảnh.
Quy mô nhỏ lẻ ảnh hưởng đến khả năng thu hút DN vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản.
Cạnh đó, hệ thống HTX, tổ hợp tác phát triển còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các tổ chức đại diện của nông dân (như hợp tác xã, tổ hợp tác…) có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với DN còn rất thiếu. Hiện các mô hình HTX, tổ hợp tác… đạt hiệu quả và có khả năng phát triển bền vững chưa phổ biến. Hiện chỉ có khoảng 10 - 15% số lượng nông sản được tiêu thụ thông qua các tổ hợp tác và HTX, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa phát triển như lúa gạo, bò sữa, mía đường, cà phê, hồ tiêu....
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra mới đây, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An chia sẻ, do chính sách hạn điền nên tôi phải nhờ người khác đứng tên để có thể sản xuất. Thủ tướng và Chính phủ có quyết sách gì để giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân trong bối cảnh tích tụ ruộng đất mạnh mẽ, làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định. Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?
Đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao – DAA Việt Nam (Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) cho rằng, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, manh mún vì vướng các quy định về hạn mức giao đất đang là yếu tố cản trở người dân và DN đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, trong khi 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình. Chưa có quy định rõ ràng về việc hỗ trợ DN thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân nên việc triển khai các dự án đầu tư của DN sản xuất quy mô lớn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra ngày 2/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh “Nếu không tái cơ cấu thì sẽ tiếp tục tụt hậu”. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đổi mới nông lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; phát triển các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến.
Tháo gỡ các nút thắt
Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đưa ra 5 giải pháp nhằm khuyến khích DN tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp bao gồm: Thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp; phát triển hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất theo chuỗi đảm bảo sản phẩm đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững về chuỗi giá trị; phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp và thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Riêng về thúc đẩy tích tụ đất đai, Bộ NN&PTNT cho hay, tập trung ruộng đất nông nghiệp sẽ được thực hiện thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận quyền sử dụng đất lâu dài thông qua việc thuê, mướn đất, nhận việc góp vốn của hộ nông dân bằng quyền sử dụng đất.
Cùng với đó là điều chỉnh hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với các DN để tạo điều kiện thực hiện tích tụ đất nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đặc biệt là cho các DN lớn có đủ khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia. Rà soát lại các chiến lược, quy hoạch định hướng đầu tư theo chuỗi giá trị và theo mô hình cụm ngành, thúc đẩy DN lớn kết nối với DN vừa và nhỏ và chính quyền địa phương, tổ chức của nông dân để triển khai đầu tư vào các chuỗi giá trị.
Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tại Hội nghị Thu hút đầu tư vào nông nghiệp diễn ra ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Bên cạnh việc khan hiếm nguồn đất thì cũng còn nhiều đất đai để lãng phí, không tổ chức sản xuất, trong khi nhiều nhà đầu tư vào nông nghiệp lại thiếu đất. Nông, lâm trường còn rất nhiều nhưng tổ chức sản xuất hiệu quả như thế nào, đó là vấn đề mà các cấp chính quyền phải giải quyết. Đất đai phải được tổ chức tốt hơn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh.