Tiền tiết kiệm USD trong dân không còn nhiều
Với lãi suất USD thấp | |
Vay VND lãi suất USD: Kênh lựa chọn tối ưu cho DN | |
Giảm lãi suất USD không gây thiệt hại kinh tế cho DN |
Lãi suất USD 0% cắt tình trạng đô-la hóa
Tuần qua, tại buổi đối thoại “Nội tệ và ngoại tệ trong nền kinh tế Việt Nam” giữa chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn với các doanh nhân, giới ngân hàng (NH) và sinh viên các trường quốc tế… do Kênh truyền hình tài chính FBNC và nest by AIA tổ chức ở TP.HCM. Ông Huỳnh Bửu Sơn đã khái quát một quá trình tiền đồng phải vật lộn với tình trạng đô-la hóa và vàng hóa. Đồng USD đã có thời kỳ trở thành phương tiện thanh toán các hàng hóa có giá trị lớn, như mua bán xe máy, nhà đất…
Tình trạng đô-la hóa xuất hiện vào cuối thập niên 1980 khi nhu cầu tiền mặt lưu thông trên thị trường không đủ. Cùng lúc đó các chính sách cởi mở của Nhà nước cho phép chuyển kiều hối vào không giới hạn, người dân được gửi tiết kiệm và rút vốn bằng ngoại tệ và các NHTM cung cấp tín dụng ngoại tệ cho các nhà xuất khẩu. Theo đó, đã tạo ra một nhu cầu sử dụng ngoại tệ và vay mượn ngoại tệ rất lớn trên thị trường, đẩy tiền đồng ra bên lề.
Chính sách lãi suất USD 0% đã đưa một lượng lớn USD vào hệ thống NH thời gian qua |
Tình trạng đô-la hóa nghiêm trọng hơn khi nó tạo tâm lý trong xã hội kỳ vọng giá trị đồng USD tăng giá so với VND. Một doanh nhân xuất khẩu nông sản ở TP.HCM, thừa nhận dường như những người gia nhập thị trường nếu làm xuất khẩu thường thành công hơn. Đơn cử như những năm 1990, DN chỉ cần xuất khẩu một tàu gạo là đã có 2 triệu USD và chờ tỷ giá tăng để hưởng chênh lệch tỷ giá.
Theo các nhà xuất khẩu, giá USD lên xuống họ có thể cân đối được, nhưng điều họ lo lắng nhất là tỷ giá bấp bênh, thiếu ổn định sẽ phá vỡ hết các kế hoạch kinh doanh dẫn đến thua lỗ. Ngay như bản thân các NHTM cho vay USD cũng không đơn giản nếu tỷ giá không ổn định.
Không phủ nhận đồng USD đã từng có giai đoạn bù đắp những thiếu hụt tiền mặt trên thị trường giao dịch hàng hóa và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, qua thời gian tình trạng đô-la hóa giảm dần và tiền đồng chỉ chính thức lấy lại được vị thế mấy năm gần đây, khi Nhà nước cấm các giao dịch bằng ngoại tệ và NHNN có chính sách lãi suất huy động USD 0%. Chính sách lãi suất USD 0% đã làm tăng cung USD cho nền kinh tế và đặc biệt ổn định giá trị tiền đồng, làm cho thị trường ngoại hối ổn định mấy năm vừa qua.
Đánh đổi giá trị tiền đồng?
“Tôi cho rằng chính sách lãi suất USD 0% đã đưa một lượng lớn USD vào hệ thống NH thời gian qua, số lượng USD tiền mặt còn lại trong dân cư hiện nay chỉ đóng vai trò công cụ thanh toán nhiều hơn tiết kiệm. Nếu bây giờ nâng lãi suất USD lên thì số lượng ngoại tệ huy động được cũng không được nhiều như dự kiến”, ông Sơn nêu quan điểm. Chưa kể, khi hệ thống NH huy động USD trả lãi cho người dân thì NH cũng phải cho vay bằng USD, không thể đi đường vòng là bán ngoại tệ ra lấy tiền đồng cho vay như đã cho vay vàng trước đây.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nếu chấp nhận cho vay USD thì dần dần sẽ phải chấp nhận có thanh toán bằng USD. Và cũng không thể đảm bảo được rằng, khi DN được vay nợ bằng ngoại tệ của NHTM thì họ sẽ không vay bằng đồng ngoại tệ khi mua bán hàng hóa lẫn nhau. Điều này sẽ dần dần gây biến tướng và khó kiểm soát ở tầm vĩ mô.
Có một thực tế nữa là tiền đồng đang neo vào đồng USD, nếu tăng lãi suất USD cao hơn 0% sẽ làm mất giá VND trong tương quan giữa đồng USD và VND trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế. “Tất cả những yếu tố rủi ro đó, liệu chúng ta có nên sẵn sàng đánh đổi sự ổn định của tiền đồng hiện nay là kết quả sau nhiều năm Nhà nước chống đô-la hóa để lấy cái kỳ vọng huy động nguồn ngoại tệ bằng cách tăng lãi suất huy động USD?”, ông Sơn nói.
Nếu tăng lãi suất huy động USD lên cho tương ứng với mức lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì phù hợp, chứ nếu nhắm vào mục đích huy động ngoại tệ thì không nên. Mặc dù tăng lãi suất huy động ngoại tệ lên có thể sẽ có một dòng vốn ngoại đổ vào, nhưng sẽ không nhiều do Việt Nam chưa có những NHTM mang tầm quốc tế. Phát triển đồng nội tệ để thúc đẩy nền kinh tế mới quan trọng, chứ không nên sử dụng một đồng tiền nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam.
“Trong một nền kinh tế nếu sử dụng song song hai đồng nội tệ và ngoại tệ, xã hội sẽ có sự phân chia đồng tiền tốt và đồng tiền xấu. Khi đồng tiền xấu bị tụt giá trị và bị đẩy ra ngoài thì ai cũng muốn cầm đồng tiền tốt”, ông Sơn lý giải. Mà đồng nội tệ chính là chủ quyền tiền tệ của một quốc gia đó do NHTW phát hành cần phải bảo vệ, gìn giữ.