Tiếp cận vốn Nhật Bản không đơn giản
Với hơn 2 nghìn dự án và trên 33 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký tính đến tháng 8/2013, Nhật Bản là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm nay, hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam khoảng 4,5 tỷ USD.
Doanh nghiệp Nhật Bản mong hợp tác với nhà cung cấp nội địa
Ông Trần Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng đầu tư này vẫn đang tiếp tục tăng. Dòng vốn đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước, gia tăng cơ hội hợp tác kinh doanh với Nhật Bản, tạo công ăn việc làm cho người lao động…
Theo Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) văn phòng TP. Hồ Chí Minh, mối quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 10 năm gần đây tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Trong một vài năm trở lại đây, nhiều DN Nhật Bản đang có xu hướng chuyển nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới và tận dụng những ưu thế từ trong nước.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Jetro cho rằng, vốn đầu tư đến từ Nhật Bản đang có sự gia tăng nhanh chóng về số lượng và tiến độ giải ngân nhanh hơn. Đến nay, Việt Nam là nước đứng thứ 2 về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực Asean.
Bà Trần Thị Tuyết Phương, trợ lý cấp cao Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cho biết, việc trở thành đối tác với DN Nhật Bản không khó, vấn đề cần phải nắm bắt được nhu cầu xem họ đang cần gì từ những DN liên kết trong nước. Để từ đó, các DN có thể chuẩn hóa mình và sẵn sàng cho việc khai thác lợi ích từ nguồn vốn ngoại này. Jica cũng cam kết sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ các DN Việt trong vấn đề tìm kiếm cơ hội hợp tác với DN Nhật Bản.
Các DN Nhật Bản thường rót vốn vào một số lĩnh vực yêu cầu nguồn nhân lực rẻ, dồi dào như dệt may và lắp ráp. DN Nhật Bản cũng đầu tư vào những lĩnh vực cần kỹ thuật cao như điện tử, y tế. Nên một số DN đến từ đất nước mặt trời mọc cho biết, họ muốn tìm những đối tác có năng lực và am hiểu thị trường để hợp tác đầu tư, là cầu nối giúp gia tăng hiệu quả hoạt động… Nhưng, bối cảnh công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển là một hạn chế, khi DN Nhật Bản cũng rất cần nguồn nguyên liệu phục vụ tại chỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Tuyến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hoàng Khang cho biết, cơ hội hợp tác từ nguồn vốn đến từ Nhật Bản đang rất rộng mở nhưng DN trong nước chưa nắm bắt được. Đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, DN Việt Nam có thể bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà xưởng để tạo điều kiện và đáp ứng cho nhu cầu của các DN Nhật Bản.
Một giám đốc tư vấn, thiết kế xây dựng bày tỏ, bắt tay với các đối tác Nhật Bản, DN Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi được nhiều điều, từ tính chuyên nghiệp, công nghệ chất lượng cao đến sự gắn kết chặt chẽ, lâu bền. Nhưng, mọi sự hợp tác phải trên tinh thần chia sẻ cơ hội, trách nhiệm và lợi ích. Vì vậy, nỗ lực đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản là điều kiện đầu tiên với các DN Việt Nam.
Trong điều kiện hạn chế cả về năng lực, công nghệ, trình độ phát triển… không ít DN bày tỏ sự băn khoăn, nếu DN không nhanh chóng thích ứng, tìm ra hướng đi và lợi thế của mình thì rất dễ trở thành người đi làm thuê với giá trị không thu về được bao nhiêu chứ không phải là quan hệ đối tác bình đẳng cùng nhau chia sẻ lợi ích trong kinh doanh…
Thanh Tuyết