Tiếp sức cho nông sản Việt
Cay ứa nước mắt | |
Nâng cao chất lượng để tạo cơ hội |
Cầu nối sản xuất và tiêu dùng
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố có 1.868 trang trại, trong đó có 12 trang trại trồng trọt, 1.466 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp, 156 trang trại nuôi trồng thủy sản và 234 trang trại tổng hợp và có 907 HTX nông nghiệp trong đó có 863 HTX dịch vụ nông nghiệp…
DN sản xuất và phân phối bàn cách kết nối tiêu thụ sản phẩm |
Để hỗ trợ người nông dân và DN trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua thành phố đã hỗ trợ công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ; tổ chức các hội nghị kết nối, giao thương để kết nối nhà sản xuất với các DN phân phối; đồng thời, hàng năm Sở Công thương đã đưa một số DN phân phối xuống trực tiếp các địa phương, vùng sản xuất để hướng dẫn cho nông dân, các HTX… cách bảo quản, sơ chế, đóng gói, nhãn mác đáp ứng yêu cầu của thị trường, kênh phân phối hiện đại.
Qua việc kết nối của Sở Công thương, sản phẩm thịt lợn của các vùng sản xuất Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh được giết mổ, tiêu thụ qua CTCP CNTP Vinh Anh, CTCP thực phẩm Nam Hà Nội; sản phẩm từ gia cầm, trứng gia cầm từ các vùng Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn được các Công ty Minh Hiền, Tiên Viên, Ba Huân tiêu thụ, chế biến; sản phẩm rau, củ của vùng trồng rau an toàn Vân Nội, huyện Đông Anh, Thanh Đa – Phúc Thọ, các loại cam canh, bưởi diễn, ổi Đông Dư, nhãn chín muộn Hoài Đức… đã được kết nối, tiêu thụ tại các siêu thị, kênh phân phối hiện đại trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã được công bố nhãn hiệu, thương hiệu như sữa bò, chè, gà đồi… Ba Vì, bưởi Phúc Thọ, ổi Đông Dư, rau Vân Nội (Đông Anh)… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Bà Phạm Thị Lý, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) cho biết, nhờ được dán tem truy xuất nguồn gốc của “Quy trình xác thực chống hàng giả” mà sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng an tâm lựa chọn.
Đặc biệt, khi tham gia hệ thống này và nhờ áp dụng toàn bộ quy trình này mà sản phẩm của chúng tôi không chỉ minh bạch được nhật ký sản xuất, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, mà còn được tham gia một hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc của UBND thành phố với đầy đủ các chức năng thương mại điện tử, kết nối cung cầu bảo đảm về an ninh thương mại điện tử, an ninh logistics, đồng thời được quảng bá sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng.
Doanh nghiệp đặt hàng nông dân
Có thể khẳng định, hoạt động kết nối là giải pháp hữu hiệu nhằm tiếp sức nông sản Việt. Thông qua đó, DN có thể đặt hàng trực tiếp nông dân, HTX và ngược lại nông dân, HTX cũng đưa ra những khó khăn trong tiêu thụ để cùng nhau tháo gỡ.
Ngay tại Hội nghị kết nối cung – cầu sản phẩm nông sản thực phẩm và giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững của TP. Hà Nội năm 2018 mới đây, đại diện CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (xã Trung Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) cho biết, ở góc nhìn của một DN sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu cùng những kinh nghiệm nhiều năm liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, chúng tôi nhận thấy Hà Nội là địa phương có điều kiện rất thuận lợi để có thể liên kết sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu theo chuỗi một cách bền vững.
Ngay tại hội nghị, Công ty Đồng Giao cũng đã đặt hàng bà con nông dân các huyện của Hà Nội liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương, rau và chuối. Với phương thức liên kết, hợp tác sản xuất chặt chẽ, đôi bên cùng có lợi, công ty sẽ đầu tư cung cấp cho bà con vay giống, cung cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn bà con từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Hỗ trợ kịp thời trong trường hợp thiên tai, dịch họa. Cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm với giá không thấp hơn giá hợp đồng đã ký.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch HTX sản xuất - kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) cho rằng, công tác quản lý thị trường về rau an toàn còn nhiều bất cập làm ảnh hưởng đến những người sản xuất rau an toàn; việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro nhiều nên thu hút chưa nhiều DN tham gia. Đề nghị thành phố cần tăng cường công tác quản lý thị trường, hỗ trợ người sản xuất trong việc dán tem, nhãn sản phẩm, đẩy mạnh kết nối thị trường trong và ngoài thành phố.
Để giải quyết bài toán kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản thực phẩm có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn; tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ nông dân thành HTX, tổ hợp tác; khuyến khích và phát huy hiệu quả liên kết DN với nông dân và bao tiêu sản phẩm.
Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội kiến nghị, nhà nước cần ban hành các cơ chế hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo chuỗi, tạo điều kiện cho DN sản xuất theo mô hình này phát triển bền vững. Đồng thời, tạo điều kiện cho DN tiếp cận và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội cũng đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, truyền thông nông sản sạch đến người tiêu dùng.
Trước các ý kiến của DN, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, trong thời gian tới TP. Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng giả đối với các sản phẩm đầu vào vật tư của nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản. Đồng thời, chủ động nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để làm cơ sở giúp DN, nông dân linh hoạt điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường và tìm đầu ra cho nông sản.
Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn có sự gắn kết chặt chẽ giữa 6 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - DN - ngân hàng - nhà phân phối nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, ông Sửu cho biết thêm.