Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo
Ảnh minh họa |
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) theo dõi, bám sát tình hình sản xuất tiêu thụ lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trường hợp giá lúa gạo trên thị trường giảm sâu, Bộ NN&PTNT báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ biện pháp điều tiết cụ thể theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm ổn định thị trường, bảo đảm thu nhập cho người nông dân trồng lúa.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đầu mối xuất khẩu đã được cấp phép phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực thu mua lúa của nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu gạo; đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng các thị trường tiềm năng, thị trường tập trung truyền thông.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giãn nợ khoanh nợ và cho vay đối với người nông dân trồng lúa, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 9 năm 2016, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,5% thị phần. Tiếp theo là Ghana và Indonesia với thị phần lần lượt là 11% và 9,4%. Bên cạnh các thị trường gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam như Ghana, Indonesia, Angola, các thị trường Philippines, Malaysia, Singapore, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc lại giảm mạnh.
NN&PTNT cho biết, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.