Tiêu chí nông thôn mới cần phù hợp hơn: Mô hình “làng sinh thái” cho Tây Nam bộ?
>> Bài 1: Những bất cập từ quy định cào bằng
Xem lại các chỉ tiêu cứng
Quý I/2015, nhằm đánh giá về chương trình xây dựng NTM trên phạm vi toàn quốc, Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tổ chức hội nghị tổng kết và thu thập những kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương để xây dựng phương án sửa đổi các tiêu chí NTM cho phù hợp với từng vùng miền.
Người nông dân phải là “vai chính” trong xây dựng NTM |
Tại hội nghị này, hàng loạt các tiêu chí về quy hoạch, về xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như các tiêu chí về môi trường và văn hóa đã được kiến nghị sửa đổi.
Chẳng hạn, đối với tiêu chí giao thông, theo những quy định cũ tại Quyết định 342/QĐ-TTg (năm 2013) các xã NTM phải có 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT và 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT kiến nghị rằng đối với các khu vực các xã thưa dân cư như khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên thì chỉ cần cứng hóa các đường trục xã, liên xã chứ không cần phải thực hiện đúng theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT. Tiêu chí về thủy lợi cũng được kiến nghị chỉ nên quy định kiên cố hóa kênh mương ở những nơi cần thiết, xung yếu để đảm bảo tính khả thi và tiết giảm chi phí đầu tư.
Đối với các tiêu chí khó thực hiện như tiêu chí về môi trường, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) đề xuất chỉ nên quy định tỷ lệ các cơ sở sản xuất – kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm ở mức độ 60-80%.
Các vùng như ĐBSCL, Trung du miền núi phía Bắc do điều kiện quản lý khó khăn nên chỉ quy định ở mức trên 60% được xem là đạt chuẩn NTM. Các tiêu chí về nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng được các địa phương đề xuất chỉ nên quy định ở mức từ 45-65% thay vì mức tuyệt đối 100% như các quy định của bộ tiêu chí NTM.
Ngoài ra đối với các thôn (ấp) trong cùng một xã, các địa phương cũng đề xuất chỉ cần đạt từ 50-70% các thôn có nhà văn hóa và khu thể thao là có thể xem như hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, chứ không nên bắt buộc mỗi thôn/ấp đều phải có các cơ sở này, gây lãng phí nguồn vốn xây dựng mà không hiệu quả.
Kết hợp bộ tiêu chí “làng sinh thái”
Tham khảo ý kiến về việc sửa đổi một số tiêu chí xây dựng NTM ở khu vực ĐBSCL nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ông Sơn Minh Thắng, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng, trước hết cần phải chờ Bộ NN&PTNT có báo cáo đề dẫn và đưa ra các đánh giá tác động. Sau đó các địa phương mới có những đóng góp ý kiến cụ thể về việc sửa đổi các tiêu chí NTM sao cho phù hợp với từng tiểu vùng ở khu vực ĐBSCL.
Trước mắt những tiêu chí khó thực hiện được nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi như các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; chợ nông thôn; môi trường; nhà ở; giao thông; thủy lợi; y tế và hình thức tổ chức sản xuất sẽ được Ban Chỉ đạo tổng hợp để kiến nghị sửa đổi phù hợp với điều kiện riêng của từng vùng.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) trên cơ sở các phân tích về mô hình làng sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu đã đưa ra một bộ tiêu chí khá cụ thể cho việc xây dựng mô hình nông thôn tại khu vực ĐBSCL.
Theo đó, bộ tiêu chí này sẽ được xây dựng dựa trên 8 tiêu chí cơ bản, bao gồm: xây dựng hệ thống cấp nước; xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải sinh hoạt; lưu trữ, phân loại và thu gom chất thải rắn tại nguồn; xây dựng hệ thống giao thông; xây dựng nhà tránh, trú bão; đảm bảo không gian được bao phủ bởi cây xanh; sử sụng tiết kiệm năng lượng và hệ thống chiếu sáng công cộng.
Đối với mỗi tiêu chí, nhóm nghiên cứu đều đưa ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Chẳng hạn, với tiêu chí cấp nước, nhóm đề xuất giải pháp thiết kế hệ thống thu nước mưa từ mái nhà và xây dựng bể chứa nước mưa sử dụng cho mùa khô.
Theo tính toán của nhóm, nếu mỗi hộ xây dựng bể chứa 4m3 nước mưa đồng thời đầu tư hệ thống xử lý nước nhiễm mặn với hiệu suất 20 lít/ngày thì khả năng có thể đảm bảo 100% hộ dân có đủ nước sạch sinh hoạt là có thể đạt được.
Hay như tiêu chí xử lý nước thải sinh hoạt, nhóm đề xuất áp dụng công nghệ xử lý phân tán bằng cách xây bể lọc 5 ngăn kỵ khí; xây dựng các công trình thu gom và chứa nước sau xử lý, như mương hở dẫn ra vườn rau, ao cá, hố thu nước. Từ đó hướng dẫn người dân xây dựng các công trình nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh nhằm thay đổi thói quen không dùng nhà vệ sinh của người dân ven biển ĐBSCL.
Như vậy, để xây dựng một bộ tiêu chí NTM trong bối cảnh thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan hoàn toàn có thể xem xét kết hợp những chỉ tiêu sẵn có trong bộ tiêu chí chung của cả nước với những gợi ý về mô hình làng sinh thái mà nhóm nghiên cứu của Tổng cục Môi trường đã đưa ra.
Bởi ngay tại Diễn đàn ĐBSCL năm 2016 diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị các địa phương nhanh chóng đề xuất bộ tiêu chí NTM cho vùng ĐBSCL, đảm bảo tính phù hợp đặc thù của địa phương trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nhằm nâng cao mức sống của người dân và khả năng phòng vệ trước biến đổi khí hậu. Việc tích hợp này Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cấp bách thực hiện và báo cáo Chính phủ trong quý III/2016.
Vì vậy thời điểm này chính là thời điểm mà các bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng một bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016-2020 với những chỉ tiêu thích hợp hơn, gắn chặt với thực tế từng vùng miền kinh tế và bám sát đời sống của cộng đồng cư dân nông thôn.