Tìm giải pháp tài chính cho DNNVV
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn không lãi suất | |
Hỗ trợ không gây bất bình đẳng | |
Tín dụng ưu đãi: Điểm tựa tài chính cho DNNVV |
Khả năng tiếp cận vốn của DNNVV đã bớt “chật vật” hơn so với trước đây, bởi theo ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV, hiện có khoảng trên 30% DNNVV đang thiếu vốn. Đáng mừng là tỷ lệ này đã giảm so với con số 40% của thời điểm tháng 6/2015.
Tuy nhiên cũng theo ông Nam, tiếp cận tín dụng vẫn là khó khăn hàng đầu trong số 3 khó khăn lớn nhất của DNNVV tính đến thời điểm hiện tại. Bởi đây luôn là rào cản xuất hiện sớm nhất và gây áp lực lớn nhất đối với DN.
DNNVV cần minh bạch và chuyên nghiệp hơn để hạn chế rủi ro cho các TCTD |
Chia sẻ tại tọa đàm về khả năng tiếp cận tín dụng của các DNNVV Việt Nam, do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (Vafie), Hiệp hội DNNVV, và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 28/7, nhiều ý kiến đề xuất cần có thay đổi trong phương thức vay tín dụng và tạo nguồn vốn cho DNNVV có cơ hội phát triển.
Tiếp cận vốn đã bớt căng thẳng
Ông Tô Hoài Nam cho biết, 30% DN chưa thể tiếp cận vốn cũng hầu như là “không còn cửa” để đến với NH. Bởi họ không thể đáp ứng được các điều kiện, chuẩn mực mà NH đặt ra. Khảo sát của Hiệp hội DNNVV cho thấy trong số này có đến 67% DN vướng do các quy định từ phía cơ quan quản lý đặt ra về các chuẩn mực tài chính, buộc NH phải tuân thủ; và cũng có cả các quy định riêng của từng TCTD tự đặt ra.
Ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, mấu chốt của vấn đề tiếp cận vốn khó khăn là do Việt Nam chưa phát triển được thị trường động sản để làm tài sản thế chấp thay cho bất động sản như cách làm thông thường. Động sản mà vị này đề cập đến bao gồm bất kỳ tài sản có giá trị nào khác ngoài bất động sản, chẳng hạn như quyền của DN đối với các khoản thu trong tương lai, các khoản thanh toán từ hợp đồng bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu, tài sản sở hữu trí tuệ…
Ông Jinchang Lai cũng cho biết, trên thế giới khoảng 80% khoản vay của DN đều có sự tham gia của động sản. Tức là khoản vay được thế chấp hoàn toàn bằng động sản hoặc động sản cộng với một số bất động sản. Ở Việt Nam hiện nay khoảng 30% khoản vay cho DN đã có sự tham gia của một số loại hình động sản. Đây là bước tiến đầy khích lệ đối với hệ thống TCTD tại Việt Nam. Tuy nhiên con số này cũng cần được cải thiện mạnh mẽ hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để thực hiện hiệu quả cơ chế này, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả để DN minh bạch thông tin, tránh rủi ro cho hoạt động của các TCTD. Với hệ thống thông tin này thì bản thân DN cũng sẽ dễ dàng tiếp cận vốn hơn nhờ tạo dựng được niềm tin đối với các TCTD để được vay tín chấp. Còn với đặc thù của Việt Nam hiện nay có trên 90% là DNNVV, gặp nhiều hạn chế về thông tin và tính chuyên nghiệp trong quản trị, điều hành, vì vậy rất khó để được vay tín chấp hay thế chấp bằng động sản.
Cần chính sách thuế chung tay
Trong lúc chờ đợi thị trường tài chính chuyên nghiệp hơn, các giải pháp khác cũng cần được cân nhắc. GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Vafie nhấn mạnh, chính sách thuế thay đổi theo hướng khuyến khích DN cũng sẽ giúp hỗ trợ một phần tài chính cho DN lớn mạnh hơn.
Theo đó, ông Mại đề xuất, trong giai đoạn ít nhất là 5 năm, tốt nhất là 10 năm, Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi, không chỉ là thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), mà còn cả một số loại thuế khác có liên quan đến chi phí, giá thành và lợi nhuận của DN.
Bởi nếu chỉ giảm thuế TNCN 50% cho một số lĩnh vực (theo Nghị quyết 35) thì không có tác động đối với DN siêu nhỏ và DN nhỏ, vì thu nhập của đại bộ phận người lao động trong các DN này thấp hơn nhiều mức phải chịu thuế TNCN. Bên cạnh đó, giải pháp hạ thuế TNDN đối với DNNVV xuống 15-17%, cũng có tác dụng hạn chế. Bởi hỗ trợ này chỉ có hiệu quả khi phần lớn DNNVV kinh doanh có lãi.
“Vấn đề quan trọng hiện nay đối với hệ thống thuế là phải giảm các khoản đóng góp vào ngân sách để DNNVV kinh doanh có lãi, giảm thua lỗ, trên cơ sở đó thì việc giảm thuế suất thuế TNDN mới có tác động tích cực đến DN”, ông Mại khuyến nghị. Các hỗ trợ này, theo TS. Nguyễn Mại, nên tập trung vào giai đoạn 5-10 năm kể từ khi DN bắt đầu hoạt động.
Ngoài ra, cũng cần có chính sách thuế thiết kế theo “gói” dành cho DNNVV, giống như cho một số dự án đầu tư quy mô lớn trong ngành và lĩnh vực được khuyến khích ở nước ta. TS. Nguyễn Mại cho biết, hiện nay chúng ta chỉ ưu đãi cho các dự án đầu tư có quy mô lớn, hoặc trong lĩnh vực được khuyến khích đầu tư, được hưởng thuế TNDN 10% suốt đời dự án, được miễn thuế 5-7 năm và giảm 50% trong 5-7 năm tiếp theo.
Ông Mại cho rằng, đây chính là thời điểm thích hợp để áp dụng các chính sách ưu đãi tương tự cho DNNVV. Như vậy chắc chắn sẽ kích thích người dân bỏ vốn kinh doanh, thành lập DN, nhà nước sẽ gia tăng nguồn thu hàng năm do mỗi năm có thêm hàng trăm nghìn DN mới và tỷ lệ DNNVV kinh doanh có lãi sẽ ngày càng tăng lên.
“Nếu không có quan điểm hệ thống như vậy, mà chỉ vì giảm một vài % thuế suất thuế TNDN đã sợ giảm thu ngân sách, thì không thể giải được bài toán đang đặt ra cho DNNVV ở nước ta, cũng như khó mà đạt được mục tiêu 1 triệu DN với quy mô lớn hơn vào năm 2020”, ông Mại khẳng định.