Tìm giỏ… bỏ trứng
Cơ hội lộ diện ở nhiều nhóm ngành | |
Hạn chế mua đuổi | |
Cơ hội nào trong tháng 7? |
Trong những năm gần đây, việc vàng tăng giá thường khởi đầu cho những điều không thuận lợi, bởi vàng được xem là nơi cất giữ tài sản an toàn khi các kênh đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu hay hoạt động kinh doanh không còn suôn sẻ.
Điều này đã được phản ánh trong cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, và sau đó khi nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải đối mặt với một giai đoạn trì trệ.
Ảnh minh họa |
Câu chuyện tưởng chừng cũ ấy dường như đang lặp lại trong tháng 7 vừa qua khi giá vàng trong nước có ngày chạm mốc 40 triệu đồng/lượng. Trước đó, trong những tháng đầu tiên của năm 2016, con số này dao động ở mức 33 - 34 triệu đồng/lượng thì thời gian gần đây, giá vàng miếng trên thị trường đang “lình xình” ở mức trên 36 triệu đồng/lượng. Tất nhiên, giá vàng cao sẽ khiến cho những người nắm giữ vàng mừng thầm, nhưng về phương diện kinh tế vĩ mô, đó có thể là một tín hiệu không hề tốt.
Giá vàng thế giới cuối tuần qua đã tăng mạnh lên mức hơn 1.338 USD/ounce (tương đương với mức 35,9 triệu đồng/lượng). Với những lo ngại về sự không chắc chắn của thị trường tài chính thế giới sau sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, nhiều chuyên gia tài chính dự đoán rằng giá vàng có thể sẽ còn tăng mạnh trong các tháng cuối năm, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục đưa ra những cảnh báo có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm.
Ở khu vực châu Á, những rủi ro ngày càng được giới chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều hơn. Trong đó đáng kể nhất là Viện Nghiên cứu Nomura có trụ sở tại Singapore, mới đưa ra một dữ liệu cảnh báo đỏ về một cuộc khủng hoảng từ hai thị trường là Hong Kong và Trung Quốc. Và rủi ro đáng kể nhất là các tỷ lệ nợ khu vực tư nhân trên GDP đã tăng nhanh trong các năm qua.
Đó chính là hệ quả của các chính sách kích thích kinh tế của nhiều quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa là chỉ một chút gia tăng của lãi suất có thể sẽ gây ra một loạt các biến động xấu của khu vực này, Viện Nghiên cứu Nomura nhận định.
Trong khi đó tại thị trường tài chính trong nước, kết quả kinh doanh quý II/2016 đang dần hé lộ và nhà đầu tư sẽ có thể đánh giá đầy đủ hơn triển vọng của các ngành. Nhưng dường như có điều gì đó đang xảy ra khi chỉ số chứng khoán VN-Index đang quay đầu giảm từ mốc kỷ lục 660 - 670 điểm đạt được vào thời điểm giữa tháng 7.
Bên cạnh việc các DN thép thông báo kết quả kinh doanh khá tốt nhờ chính sách chống bán phá giá được áp dụng, ngành vật liệu xây dựng tăng trưởng tốt nhờ các dự án hạ tầng lớn được triển khai, thì một số những lĩnh vực cơ bản khác lại không được như thế.
Điển hình là ngành dệt may khi chứng kiến giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 12,6 tỷ USD, tăng trưởng chỉ 4,7% so với cùng kỳ. Hệ quả là một số DN trong ngành đối mặt với kết quả kinh doanh khá u ám, như Sợi Thế kỷ chỉ mới hoàn thành được 25% kế hoạch năm, hay như hai tên tuổi nổi tiếng khác là Thành Công (TCM), Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) ghi nhận những kết quả đáng thất vọng trong nửa đầu năm.
Các cổ phiếu ngành dầu khí cũng chịu chung số phận. Dù giá dầu thô thế giới đi lên chút ít nhưng vẫn còn rất thấp so với cách đây vài năm. Cổ phiếu PVD chỉ còn hơn 26.000 đồng/cổ phiếu sau khi công ty công bố kết quả lãi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 74 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty thăm dò khai khác dầu khí (PVEP) thậm chí còn dự kiến lỗ 493 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Thực tế khắc nghiệt còn xảy ra ở các ngành thủy sản, lúa gạo khi chịu tác động của nắng nóng khắc nghiệt nhất trong hàng chục năm qua.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong nửa đầu năm đã phản ánh khá chân thực thực trạng của đại đa số DN. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá khá cao khi mức tăng trưởng 5,52% đã là khá so với các quốc gia trong khu vực.
Theo báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối năm của công ty chứng khoán VCBS, nhà đầu tư nên chọn các ngành nghề cơ bản tốt như NH, BĐS, cảng biển và bao bì nhờ hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do.