Tìm hướng xuất khẩu gạo
Khẩn trương xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo | |
Theo dõi sát tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo | |
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc: Chiến thuật “núp bóng” đã lỗi thời? |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều tháng tăng trưởng, xuất khẩu gạo tháng 7/2016 đã có xu hướng suy giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7/2016 ước đạt 274 nghìn tấn, giá trị đạt 120 triệu USD.
Tính chung 7 tháng, khối lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 2,93 triệu tấn, kim ngạch 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với 35,1% thị phần. Tiếp theo là Philippines, Malaysia và Singapore.
Ảnh minh họa |
Thực tế, tình hình xuất khẩu gạo đã có nhiều biến động từ đầu năm đến nay. Nếu xuất khẩu gạo có mức tăng trưởng tốt trong quý I, thì sang quý II đã có sự sụt giảm đáng kể. Chỉ tính riêng tháng 1, xuất khẩu gạo đã đạt 488.271 tấn, với giá trị 216,56 triệu USD, tăng 49,95% về khối lượng và 41,33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Sự tăng trưởng đột biến này xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu của thị trường Philippines, Indonesia tăng cao với hàng loạt những đơn hàng được ký từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, bước sang quý II, khi các đơn hàng lớn được trả hết, xuất khẩu gạo bắt đầu giảm dần cho đến nay.
Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đến thời điểm này, DN đang thiếu những hợp đồng tập trung, có vai trò dẫn dắt thị trường. Mặc dù trước đó, nhiều bạn hàng lớn của nước ta như Philippines, Indonesia bày tỏ ý định nhập một lượng gạo lớn tới 500.000 tấn trong năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa mở thầu.
Mặc dù gặp khó khăn nhưng xuất khẩu gạo những tháng đầu năm vẫn xuất hiện các “điểm sáng”. Vẫn có một số thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh là Gana (tăng 41%), Bờ Biển Ngà (tăng 31%)… Bên cạnh đó, dù nhu cầu chung của thị trường không cao nhưng các sản phẩm gạo chất lượng cao của nước ta vẫn có đầu ra ổn định.
Sản lượng gạo thơm sau 6 tháng đã tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 31% tổng lượng gạo xuất khẩu do thị trường châu Á và châu Phi tiếp tục nhập khẩu mạnh các loại gạo này. Lượng gạo nếp xuất khẩu cũng tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc. Riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh với trên 41% mặc dù lượng gạo này còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Theo bà Phan Thị Diệu Hà, điểm đáng mừng là tổng lượng gạo tồn kho trong DN hiện chỉ còn khoảng 1,2 triệu tấn. Đây là lượng tồn kho không lớn bởi đã có một số thời điểm, lượng tồn kho gạo lên đến 1,8 - 1,9 triệu tấn. Các hợp đồng thương mại cũng đang được DN tích cực tìm kiếm.
Tuy vậy, vấn đề trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn phải bám sát thị trường để khi có tín hiệu sẽ kịp thời nắm bắt cơ hội, tiêu thụ gạo cho bà con nông dân. Về phần mình, Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để xuất khẩu gạo một cách ổn định sang Trung Quốc, tiếp tục trao đổi khả năng ký Bản ghi nhớ giữa 2 nước về thương mại gạo. Bộ cũng sẽ đề nghị phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra theo phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và sớm công bố chính thức các DN Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu gạo vào Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng được giao nhiệm vụ theo dõi, cập nhật nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này. Đồng thời đề nghị Bộ Thương mại Indonesia nhanh chóng bổ sung đầu mối thực hiện bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa 2 nước và chuẩn bị phương án đàm phán gia hạn bản ghi nhớ này bởi nó hết hạn vào cuối năm 2017. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành khác khuyến khích bà con sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, đây là loại gạo vẫn tăng trưởng đều đặn trong khó khăn.