Tìm mô hình mới hút vốn đầu tư
Kỳ vọng mô hình đặc khu kinh tế | |
Tháo rào đầu tư khu công nghiệp |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mô hình các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện nay đã lỗi thời so với nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam, vì vậy rất cần xây dựng một mô hình khác với các chính sách thu hút đầu tư vượt trội. Đó là lý do hiện nay cơ quan này đang xúc tiến việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đang dần bộc lộ hạn chế |
Cần thể chế, chính sách vượt trội
Từ năm 1991 đến nay, đã có 6 mô hình khu được phát triển tại Việt Nam để thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập kinh tế thế giới. Đó là khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bộ KH&ĐT đánh giá, các khu công nghiệp, khu kinh tế này đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế thông qua việc đổi mới môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút được lượng vốn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh; thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực. Ngoài ra các khu công nghiệp, khu kinh tế đã giải quyết việc làm và phát triển kỹ năng cho người lao động; phát triển thương mại; góp phần tăng thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế của cả nước
Tuy nhiên thực tế cho thấy 6 mô hình khu hiện đang phát triển tại Việt Nam không phải là mô hình mới trên thế giới. Qua thực tế, các mô hình này hiện cũng đang dần bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, khó thu hút được nhà đầu tư và các nguồn vốn chất lượng cao.
Các chuyên gia đánh giá, với mô hình như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa phát huy được vai trò đầu mối để thực hiện cải cách hành chính “một cửa tại chỗ”. Bên cạnh đó, ưu đãi đầu tư cho các khu đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn. Việc huy động các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu còn khó khăn. Đồng thời các mối liên kết kinh tế trong phát triển các mô hình khu chưa rõ ràng, hiệu quả.
Ngoài ra một số tồn tại, hạn chế khác trong phát triển các mô hình khu hiện nay là tốc độ tăng nhanh quy hoạch, thành lập các khu đã làm phân tán nguồn lực, kéo dài thời gian hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đồng thời tạo cạnh tranh nội bộ giữa các địa phương trong thu hút đầu tư vào các khu. Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút người dân từ các khu vực khác tới làm ăn, sinh sống, trong khi hạ tầng kỹ thuật xã hội xung quanh chưa được xây dựng đồng bộ để đảm bảo cuộc sống của người dân, người lao động…
Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút FDI là rất cần thiết. “Đây sẽ là động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế”, ông Trung nhận định.
Sẵn sàng mở tới đâu?
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, thành viên Ban soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho biết, ban soạn thảo đã nghiên cứu khoảng 20 mô hình đặc khu kinh tế, trong đó có cả mô hình thành công và thất bại. Bài học rút ra qua các mô hình thực tế này sẽ là cơ sở để ban soạn thảo xây dựng luật với các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Cụ thể, theo ông Đông trong số các mô hình được khảo sát có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển thành công đặc khu kinh tế nhờ gắn kết các điều kiện địa lý - chính trị thuận lợi với các thể chế, chính sách ưu đãi đặc biệt và thể chế hành chính vượt trội. Các quốc gia thành công với mô hình đặc khu đều có luật điều chỉnh riêng cho đặc khu kinh tế; có vị trí chiến lược; chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng; môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi cạnh tranh ở tầm quốc tế; hỗ trợ đầu tư của Chính phủ; bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra một loạt yếu tố dẫn đến sự không thành công của một số đặc khu trên thế giới như vị trí không thuận lợi dẫn đến các chi phí đầu tư lớn; các chính sách thiếu tính cạnh tranh, chủ yếu dựa vào thời gian miễn hoặc ưu đãi thuế, chính sách lao động cứng nhắc... Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của các đặc khu chưa đáp ứng yêu cầu của NĐT, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các DN tư nhân và Chính phủ trong phát triển hạ tầng cho đặc khu; giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, quá nhiều cơ quan tham gia vào quản lý đặc khu.
Cơ quan soạn thảo luật cho hay, từ kinh nghiệm quốc tế và tổng hợp các mô hình, có thể phân chia đặc khu kinh tế theo 3 cấp độ gắn với độ mở về thể chế và chính sách khác nhau. Trong đó cấp độ 3 là cao nhất, với hệ thống chính trị, thể chế kinh tế và hành chính độc lập, khác biệt so với các khu vực khác của đất nước. So sánh với các cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức do các tỉnh đề xuất áp dụng cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được thí điểm là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, hiện 3 đặc khu của Việt Nam đang tương đương cấp độ 1.
Ông Trần Duy Đông cũng cho hay, khác với 6 mô hình khu mà Việt Nam đã phát triển, trọng tâm thu hút đầu tư của đặc khu kinh tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tập trung vào các ngành tài chính, ngân hàng, thương mại, giáo dục, y tế, công nghệ cao và kỹ thuật mới để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ logistics cảng biển, hàng không, du lịch...
Hiện các chính sách cụ thể của mô hình này mới đang trong quá trình soạn thảo và chưa rõ thể chế cho mô hình đặc khu của Việt Nam có thể mở đến đâu. Tuy nhiên cơ quan soạn thảo cho rằng, để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực này, các quốc gia đều áp dụng đa dạng cơ chế đặc thù về kinh tế - xã hội và hành chính như hỗ trợ ngân sách nhà nước, áp dụng miễn, giảm các loại thuế, tiền thuê đất, thời gian thuê đất, thuê hạ tầng, miễn thị thực visa, chính sách đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế thuận lợi… Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đặc khu kinh tế đều được giao thẩm quyền mạnh mẽ theo hướng “một cửa, tại chỗ”.