TP.HCM: Quản lý đô thị còn nhiều vướng mắc
Dự án điều hành quy hoạch? | |
Chỉnh trang đô thị: Để có thể rút ngắn thời gian |
Ảnh minh họa |
Một giấy phép xây nhiều nhà…
Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Võ Thành Khả cho biết trên địa bàn huyện có những trường hợp người dân xin chuyển mục đích một lần 2.000 m2 đất nông nghiệp sang đất ở. Hiện quy định chưa khống chế diện tích đất xin chuyển sang đất ở. Đáng lo ngại là người dân chỉ xin một giấy phép xây dựng, sau đó xây dựng nhiều nhà, tách từng căn ra rồi bán.
Do đó, những người mua nhà cùng đứng tên trong sổ đỏ dưới dạng đồng sở hữu. Theo ông Khả, Quyết định 33 của UBND thành phố về tách thửa không giới hạn diện tích được chuyển mục đích sang đất ở; trong khi luật hiện nay cũng không quy định số người đồng sở hữu và diện tích đất mỗi thành viên được sở hữu.
Cũng vậy, theo UBND huyện Củ Chi, tại các xã giáp ranh như Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ, việc người dân tự ý chia các khu đất lớn thành nền nhỏ, mua bán giấy tay hoặc đồng sở hữu gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Phần lớn những khu đất này thu hút người dân nhập cư đến mua. Nhưng vấn đề phát sinh là các khu phân lô này không đủ điều kiện để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, và làm thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định.
Thực tế, nhu cầu của người dân nhập cư từ các tỉnh thành tìm mua đất để xây dựng nhà ở giá rẻ đang rất cao và chính đáng, dẫn đến việc xây dựng tự phát. “Thành phố cần xem xét lại, tạo điều kiện cho người dân được tách thửa, tránh tình trạng mua bán giấy tay gây khó khăn trong công tác quản lý đô thị của địa phương” đại diện UBND huyện Củ Chi đề xuất.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Trọng Tuấn cho rằng, việc tách thửa tràn lan không những sẽ khiến chất lượng nhà ở không bảo đảm, mà còn phá vỡ quy hoạch và gây nhiều hệ lụy về mặt xã hội.
Theo ông Tuấn, đây là một biến tướng rất phức tạp trong lĩnh vực xây dựng. Nếu cơ quan quản lý không xem xét kỹ việc này để kịp thời chấn chỉnh thì dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, rất nguy hiểm. Dẫn chứng một trường hợp cụ thể là có những đầu nậu mua đất của nông dân nhưng không sang tên, dùng tên chủ đất cũ rồi chuyển mục đích đất và xin phép xây dựng thành nhiều căn nhà, sau đó bán qua tay nhiều người.
“Địa phương phải ngăn chặn việc tách thửa như thế, đồng thời phòng quản lý đô thị các quận huyện khi xem xét cấp phép xây dựng phải xem kỹ hồ sơ để ngăn chặn những trường hợp như trên” ông Tuấn khuyến nghị.
Vẫn khổ về cốt nền, dự án treo
Ông Lê Văn Thinh, Phó chủ tịch UBND Q. Bình Tân cho biết, thành phố chưa có cốt nền xây dựng nên nhiều nhà dân trên địa bàn quận xây dựng rất cao so với mặt đường vì sợ bị ngập.
Nhiều quận cũng nêu bức xúc về quy hoạch và dự án “treo”. Đại diện UBND quận Bình Tân cho biết, nhiều quy hoạch đất công trình công cộng, công viên cây xanh, đường dự phóng chỉ là quy hoạch định hướng, nên cần có thời gian cũng như nguồn vốn cân đối thực hiện. Đại diện UBND quận Bình Tân cũng đề xuất đối với các dự án sau 3 năm không kêu gọi được nhà đầu tư, thì sẽ xem như đất dân cư hiện hữu để người dân được xây dựng nhà ở.
Nhiều vướng mắc cũng phát sinh đối với đất khu dân cư mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng thông tin, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới. Tuy nhiên, huyện không dám cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng cho dân có đất trong quy hoạch này.
Theo ông Hồng, người dân luôn có quyền thực hiện và đòi hỏi các quyền lợi hợp pháp của mình. Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn cho biết, trong khi chưa có nhà đầu tư thì không cớ gì phải gây khó khăn cho người dân. Do đó, quyền lợi hợp pháp của người dân phải được bảo đảm, đến khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư bồi thường cho dân theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND TP- Lê Văn Khoa đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu để có quyết định hợp lý cho thay thế Quyết định 33 về vấn đề tách thửa. Ông Khoa yêu cầu các quận huyện nên trực tiếp trao đổi với các sở ngành để giải quyết rốt ráo các vấn đề phát sinh.