Nới cửa hợp tác công tư
Vốn chuyển dịch theo cơ chế đặc thù | |
Kỳ vọng đúng mức vào PPP | |
“Làm mới” quy định về PPP |
Bản dự thảo mới nhất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn NĐT, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố để lấy ý kiến đóng góp hôm cuối tháng 4 vừa qua.
Rút ngắn quy trình, thủ tục
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, rất nhiều nội dung đã được ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý, bổ sung để tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước, rút ngắn thời gian thực hiện các bước, cũng như đơn giản hoá quy trình thủ tục thực hiện dự án cho NĐT.
NĐT ngóng cơ chế hỗ trợ giảm rủi ro PPP |
Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 15 đã mở rộng nguồn vốn của Nhà nước để thanh toán cho dự án áp dụng hợp đồng BLT, BTL. Theo quy định hiện hành, phần vốn góp của Nhà nước tham gia thực hiện dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên ban soạn thảo đã quy định thêm các nguồn vốn mà Nhà nước có thể sử dụng bao gồm vốn đầu tư công; vốn nhà nước nhằm duy trì hoạt động cung cấp dịch vụ công; nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công; các nguồn vốn hợp pháp khác. Điều này sẽ đảm bảo sử dụng ngân sách Nhà nước linh hoạt, đúng mục tiêu, đúng tính chất chi của các nguồn; đồng thời các bộ, ngành, UBND các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc chi tiêu.
Về cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hiện nay tất cả các dự án PPP đều phải thực hiện thủ tục này. Theo phản ánh của các bộ, ngành, địa phương, hồ sơ, thủ tục cấp hiện nay làm ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị đầu tư. Chưa kể trong một số trường hợp đặc biệt, kết quả của việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư ảnh hưởng đến những quyết định đã được phê duyệt (nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi, kết quả lựa chọn NĐT...). Chung quy lại, thủ tục này gây ra nhiều phiền hà và làm tăng thời gian thực hiện dự án.
Vì vậy, định hướng sửa đổi của ban soạn thảo là thống nhất với Luật Đầu tư, chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho NĐT nước ngoài. Ngoài ra, còn có phương án 2 là chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tức là chỉ những dự án có bộ, ngành là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án triển khai trên địa bàn 2 tỉnh trở lên mới phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Về thời gian lựa chọn NĐT, ông Trương cho biết, hiện quy trình lựa chọn NĐT dự án PPP của các quốc gia trên thế giới như Anh, Úc, Ấn Độ, Philippines, Nam Phi, Canada, Ai Len... đều có các bước như mời sơ tuyển, đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, đàm phán và ký hợp đồng. Tại những nước này, thời gian lựa chọn NĐT trung bình cũng từ 16 - 18 tháng. Thời gian quy định tại Nghị định 30 hiện cũng tương đương kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, nhiều NĐT vẫn than phiền rằng khoảng thời gian này là quá dài và cần được rút ngắn.
Vì vậy ban soạn thảo đã rà soát lại, điều chỉnh rút ngắn phần lớn các bước trong quy trình lựa chọn NĐT. Cụ thể là thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn NĐT giảm từ tối đa 10 ngày xuống 5 ngày làm việc; thời gian chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển tối thiểu giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày; thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu giảm từ 30 ngày xuống 5 ngày làm việc; thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu giảm từ 60 xuống 45 ngày đối với đấu thầu trong nước và 90 ngày xuống 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế; thời gian đàm phán, hoàn thiện hợp đồng tối đa giảm từ 120 ngày xuống 30 ngày kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn NĐT…
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các NĐT trong nước tham gia vào dự án PPP, Nghị định 30 đã sửa đổi theo hướng chỉ có các dự án nhóm A (quan trọng quốc gia) phải tổ chức sơ tuyển quốc tế, đấu thầu quốc tế. Theo quy định hiện hành, các dự án PPP nhóm B trở lên phải tổ chức sơ tuyển quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi quy định này được xem là để tạo điều kiện tham gia đấu thầu cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của NĐT trong nước.
Chưa đủ cơ chế giảm rủi ro
Nhìn chung, các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 15 và Nghị định 30 đã rút ngắn đáng kể thời gian và quy trình thủ tục trong thực hiện dự án PPP. Tuy nhiên, còn một vấn đề quan trọng mà NĐT mong đợi là các cơ chế bảo lãnh, hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho NĐT lại chưa có nhiều thay đổi.
Liên quan tới cơ chế bảo lãnh, tại một số cuộc họp tiếp thu ý kiến trước đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, cơ quan soạn thảo sẽ đề xuất bổ sung một số cơ chế bảo lãnh, theo hướng tuỳ từng dự án PPP cụ thể phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên tại dự thảo mới nhất, các nội dung có liên quan lại chưa thay đổi.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho rằng cần bổ sung thêm các cơ chế để chính quyền địa phương góp vốn với NĐT. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề nghị quy định được phép thanh toán dự án BT bằng tiền cùng với thanh toán bằng quỹ đất (tỷ lệ thanh toán bằng tiền chiếm phần nhỏ). Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh thì đề nghị bổ sung thêm các loại hình thanh toán hợp đồng BT như giảm thuế các NĐT phải đóng, giảm tiền sử dụng đất mà NĐT phải đóng đối với các NĐT chưa đóng tiền thuê đất…
Một kiến nghị khác là đối với các dự án do NĐT đề xuất cũng được sử dụng vốn góp của Nhà nước. Hiện nay Nghị định 15 chỉ cho phép sử dụng vốn đầu tư Nhà nước với các dự án do bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất, có nghĩa là nếu UBND cấp tỉnh đề xuất thì dự án mới được cấp vốn ngân sách, có thể là ODA hay trái phiếu Chính phủ để làm vốn góp của Nhà nước. Vì vậy, nhiều địa phương kiến nghị mở rộng đối tượng, kể cả dự án do NĐT đề xuất nhưng nếu có hiệu quả và địa phương tự cân đối được ngân sách thì có thể dùng vốn Nhà nước thanh toán để hạn chế rủi ro cho NĐT.