TP.HCM: Chưa xử lý triệt để vi phạm khai thác khoáng sản
Vận chuyển gỗ trái phép | |
Đẩy lùi nạn khai thác cát trái phép |
Là địa phương có vùng biển giáp nhiều tỉnh thành với nhiều tuyến sông có trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn, TP. HCM vẫn không thể xử lý triệt để các vi phạm vì cơ chế phối hợp vẫn chưa có thực quyền…
Khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp tại TP.HCM |
Chính vì vậy, UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung nhiệm vụ, chức năng của lực lượng vũ trang trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản; đặc biệt là đối với các loại tài nguyên, khoáng sản phân bố ở vùng biển.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, những năm gần đây, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng, cát san lấp dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ở những vùng giáp ranh này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan và an ninh khu vực.
Trước đây công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường gặp nhiều bất cập do quy định quản lý Nhà nước theo địa giới hành chính, tuy nhiên hiện nay vấn đề này đã cơ bản được giải quyết bằng quy chế phối hợp giữa các tỉnh thành lân cận.
Nhưng để quy chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền các địa phương giáp ranh và quy định của pháp luật có liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc khai thác trái phép.
Từ thực tế kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố, lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định, các vi phạm chủ yếu tập trung ở khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố. Ở các tuyến sông giáp ranh, các đối tượng khai thác cát trái phép neo đậu phương tiện (ghe vận chuyển, ghe bơm hút kể cả xáng cạp) ở địa phương này, nhưng hoạt động khai thác ở địa phương khác, gây nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra hành chính để ngăn chặn.
Thậm chí, ở vùng biển Cần Giờ, các đối tượng dùng xà lan tải trọng 500-1000 tấn có gắn thiết bị bơm hút để khai thác cát trái phép, các xà lan này hầu hết neo đậu ở địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với đặc điểm vùng biển rộng, giáp ranh nhiều tỉnh nên khi bị phát hiện, thì các đối tượng bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau nên việc truy bắt rất khó khăn.
Bên cạnh đó, còn là các dự án nạo vét tận thu sản phẩm có phạm vi thực hiện liên quan đến 2 tỉnh hoặc giáp ranh với các tỉnh. Về phía TP.HCM, việc giám sát các dự án này hiện nay chỉ thực hiện trong phạm vi thuộc địa giới hành chính của thành phố, còn lại thuộc địa phương khác nên không thể kiểm tra, giám sát hết toàn bộ dự án.
Vấn đề chưa thống nhất giữa các địa phương khi tiến hành xem xét chấp thuận đăng ký tận thu sản phẩm đối với các dự án có phạm vi liên quan đến 2 tỉnh cũng là nguyên nhân khó khăn cho công tác kiểm tra giám sát (tỉnh này chấp thuận đăng ký tận thu cho đơn vị, trong khi tỉnh kia không chấp thuận nên dự án triển khai không được đồng bộ).
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho rằng, việc kiểm tra, xử lý hành vi vận chuyển khoáng sản trong trường hợp nghi ngờ do hoạt động khai thác khoáng sản trái phép rất khó thực hiện. Nguyên nhân do Nghị định số 33/2017/NĐ-CP không quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép nên gây khó khăn trong công tác thanh kiểm tra hoạt động khoáng sản.
Mặt khác, Nghị định này quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với hành vi khai thác khoáng sản không phép với quy mô từ 50m3 trở lên và không có quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển khoáng sản trái phép, không phép dẫn đến hạn chế tính răn đe đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Hơn thế, việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm cũng gặp nhiều trở ngại, quy trình thẩm định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm và quy trình đấu giá, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm mất nhiều thời gian.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất cần tăng thêm tính chủ động của địa phương cũng như sự thống nhất, minh bạch về trách nhiệm giữa các bộ ngành và địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản.
Bên cạnh đó, đề xuất, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc và sửa đổi Nghị định số 33/2017/NĐ-CP cho phù hợp thực tế; đồng thời quy định hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép từ 10m3 trở lên”.