TPHCM: Mời gọi đầu tư các dự án nhà ở ven kênh, rạch
Sáng 1/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị TP.HCM với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi tại Hội nghị |
20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần di dời
Khu vực nội thành TP.HCM hiện hữu có 5 hệ thống kênh rạch chính với tổng chiều dài khoảng 55 km. Qua hơn 20 năm triển khai chỉnh trang, thành phố đã di dời khoảng 36.000 căn nhà trên và ven kênh với các dự án điển hình như Dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ; Dự án Nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm...
Việc chỉnh trang thời gian qua đã góp phần rất lớn vào việc cải tạo môi trường, chỉnh trang mỹ quan đô thị, giải quyết tình trạng ngập nước, cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện nay còn khoảng hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần được tiếp tục di dời trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân, chất lượng sống đô thị.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Sử Ngọc Anh cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư chung cho đầu tư phát triển Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng. Trong đó, đối với Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 Chương trình đột phá, trọng điểm của Thành phố (bao gồm các mục tiêu di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu)…
Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã phát hành danh mục các dự án mời gọi đầu tư đối với các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh, rạch, chỉnh trang đô thị của Thành phố như: Dự án di dời và tái định cư các hộ dân sống trên và ven Bờ Nam Kênh Đôi, Quận 8; dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven Rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp); dự án cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên Rạch Văn Thánh…
Cần nguồn vốn xã hội hóa đầu tư
Ông Sử Ngọc Anh cho rằng, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách khoảng 25.748 tỷ đồng nhưng nguồn vốn ngân sách của thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 2.508 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn cần phải huy động xã hội hóa khoảng 23.240 tỷ đồng. Do đó, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, việc tăng cường thu hút đầu tư các nguồn lực trong và ngoài nước được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế thành phố.
Về giải pháp cho vấn đề nguồn vốn đầu tư, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng thành phố đã xác định phương thức chủ đạo là kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Hơn thế, UBND TP.HCM và các sở, ngành đang nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Bên cạnh việc tham gia đầu tư vào các dự án trọng điểm của TP.HCM, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cũng hứa hẹn sẽ đồng hành cùng TP.HCM kêu gọi vốn đầu tư cả trong nước và nước ngoài thông qua mối quan hệ chiến lược với các tổ chức tín dụng và phi tín dụng trong và ngoài nước.
Vietcombank cam kết dành tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong tổng số 50.000 tỷ đồng đầu tư vốn đầu tư trái phiếu năm 2018 cũng như mong muốn thành phố ưu tiên cho Vietcombank mua trái phiếu đô thị để bổ sung nguồn ngân sách cho thành phố thực hiện các dự án. Vietcombank sẽ xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính cho người dân “an cư, lạc nghiệp” đối với các hộ dân thuộc diện di dời, chỉnh trang đô thị, góp phần nhanh chóng thực hiện Chương trình đột phá chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020 của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhưng Thành phố vẫn là một đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với những thách thức như kẹt xe, ngập nước, vấn đề vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu. Vấn đề vẫn còn hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch là nỗi trăn trở của lãnh đạo Thành phố nhiều thời kỳ.
Để hoàn thành những mục tiêu, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của Thành phố, chủ trương xã hội hóa để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay.
Do đó, lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tham mưu tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi nhà đầu tư, đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức đối tác công tư PPP.