Trung Nam Group khánh thành tổ hợp điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận
Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng; Cùng lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương, các chuyên gia...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tổ hợp. |
Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam xây dựng tại Ninh Thuận gồm trang trại điện gió (tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng) và điện mặt trời (tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng), được đấu nối trực tiếp hệ thống điện quốc gia qua Trạm biến áp 220KV Tháp Chàm.
Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng điện gió, điện mặt trời Trung Nam đạt khoảng 950 triệu đến 1 tỷ kWh điện mỗi năm. Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam (tính đến tháng 5/2019).
Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, nhà máy điện gió Trung Nam gồm: 17 trụ, công suất 39.95 MW, đạt sản lượng khai thác 110 triệu kWh/năm. Dự kiến đến quý IV/2019, giai đoạn 2 dự án sẽ có thêm 16 trụ, công suất 64 MW và đạt sản lượng khai thác 179 triệu kWh/năm. Giai đoạn 3 dự kiến hoàn tất trong năm 2020 sẽ 12 trụ, có công suất 48 MW và đạt sản lượng khai thác 134 triệu kWh/năm.
Nhà máy điện gió sử dụng tuabin gió có công nghệ “Không hộp số” (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió do ENERCON, do nhà sản xuất thiết bị điện gió hàng đầu Châu Âu đến từ Đức cung cấp. Với công nghệ tuabin không hộp số, các trụ gió tại trang trại điện gió Trung Nam có thể hoàn toàn vận hành bình thường ngay khi gió đạt tốc độ 2.5 m/s và cùng tốc độ gió như thế là các tuabin đã có thể khởi động. Bên cạnh, do không có hộp số, các công tác bảo trì hệ thống cho tuabin cũng ít hơn, khi không có ma sát gây hao mòn. Giảm được công tác bảo trì, chi phí duy tu của công trình được tối thiểu, tiết kiệm chi phí và tăng thời gian hoạt động khai thác.
Nhà máy điện gió của Trung Nam Group sử dụng tuabin gió có công nghệ “không hộp số” |
Trong khi đó, nhà máy điện mặt trời Trung Nam sử dụng 705.000 panel pin, với công nghệ: Dual Glass Mono Perc 72 Cell 375 - 380 Wp. Đặc trưng tại cánh đồng điện mặt trời là thiết bị INVERTER và công nghệ chuyển hoá bức xạ mặt trời do SIEMENS cung cấp. Cùng với đó là hệ giá đỡ tự điều hướng có thể tự động điều hướng nắng, có góc xoay 120 độ. Đặc biệt, các thiết bị được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C, mà không suy giảm hiệu suất chuyển hoá, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao. Với tính linh hoạt mà công nghệ mang lại, công trình có thể tiếp tục kết nối thêm các tấm pin mặt trời trực tiếp với hệ thống đã lắp đặt và tăng sản lượng khai thác.
Theo ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đã thống nhất phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia. Với dự án của Trung Nam Group đã góp phần đưa Ninh Thuận dẫn đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với 8 dự án điện gió và điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại. Cũng theo ông Vĩnh, dự kiến cuối năm 2019, Ninh Thuận sẽ có thêm 13 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành thương mại.
Nhà máy điện mặt trời có thể tiếp tục kết nối thêm các tấm pin với hệ thống có sẵn. |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với việc khánh thành tổ hợp năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió của Trung Nam Group, là những hành động rất cụ thể, thể hiện cam kết của Việt Nam nói chung, cam kết của Ninh Thuận, các nhà đầu tư nói riêng, trong phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đặc biệt, việc sử dụng những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới vào hai dự án này là minh chứng hết sức sinh động cho ý chí sáng tạo, sử dụng, học hỏi và làm chủ của đội ngũ những người lao động Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, mặc dù hơn 20 năm qua Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vẫn là nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì thời gian tới chúng ta vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng phải bền vững. Phát triển ngày hôm nay không ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn lực phát triển cho các thế hệ tương lai. Người dân trở thành trung tâm và là người thụ hưởng các thành tựu phát triển. Làm được những dự án điện mặt trời, điện gió kết hợp với các loại hình năng lượng sạch khác, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp sạch thì không chỉ gìn giữ được môi trường, cuộc sống yên bình, phồn vinh mà người dân, các thế hệ con cháu còn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống nhưng cũng tiếp cận với văn minh nhân loại, văn minh thế giới, trở thành những công dân toàn cầu...