Trung tâm TTTD quốc gia Việt Nam (CIC): Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN
Liên kết để nâng tầm hoạt động | |
TT Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam: Tiếp tục nâng cao chất và lượng |
Cơ cấu giá sản phẩm TTTD được xây dựng theo các nhóm thông tin cấu thành nên sản phẩm (6 nhóm), theo đó, mỗi nhóm thông tin gồm các thông tin chi tiết và mức giá đối với từng chỉ tiêu thông tin (139 chỉ tiêu).
Ảnh minh họa |
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC cho biết, trên cơ sở các chỉ tiêu thông tin, các TCTD có thể tự xây dựng nên sản phẩm cho riêng mình phù hợp bằng cách lựa chọn các chỉ tiêu thông tin cần thiết.
Bên cạnh đó, CIC vẫn duy trì hệ thống sản phẩm, dịch vụ cũ và xây dựng thêm các sản phẩm thiết kế sẵn theo hướng kết hợp nhiều loại thông tin. Ngoài ra, CIC áp dụng mức giảm trừ bậc thang (từ 5 - 50%) đối với các TCTD khai thác sản phẩm hoặc chỉ tiêu TTTD để khuyến khích TCTD tra cứu thông tin theo số lượng lớn.
Theo chính sách giá này, mức giá tất cả các sản phẩm dịch vụ hiện hành của CIC đã giảm từ 20-60%, đặc biệt có loại đã được CIC miễn phí 100%. Cách tính giá mới cũng linh hoạt hơn, giúp TCTD tự xây dựng sản phẩm theo đúng yêu cầu của mình, tận dụng triệt để kho dữ liệu của CIC và tiết giảm chi phí hoạt động, ông Phong cho biết thêm.
Trong báo cáo Doing Business 2016 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng (Depth of credit information index) của Việt Nam đã có biến chuyển tích cực, đóng góp vào mức tăng thứ hạng của chỉ số tiếp cận tín dụng (Getting credit index) từ vị trí 36 năm 2015 lên vị trí 28 năm 2016.
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam được 6/8 điểm. CIC chưa được đánh giá điểm cho 2 chỉ tiêu, bao gồm thu thập thông tin dữ liệu ngoài ngành từ các công ty như điện, nước, dịch vụ vệ sinh, viễn thông... và luật pháp có cho phép khách hàng vay có quyền tra cứu thông tin tín dụng về bản thân mình không?
Trên thực tế, theo quy định tại Thông tư 03/2013/TT-NHNN thì khách hàng vay có quyền tra cứu báo cáo thông tin tín dụng của bản thân mình miễn phí 1 lần/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của WB tại tiêu chí này, luật mà WB đề cập tới là luật do Chính phủ ban hành, có giá trị pháp lý cao nhất, theo đó, WB không cho điểm cho CIC - trung tâm thông tin tín dụng công về tiêu chí này.
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hành động để cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 19/NQ-CP mà CIC hướng tới là nỗ lực thu thập thông tin dữ liệu bổ sung vào kho dữ liệu quốc gia ít nhất 1 đơn vị ngoài ngành và đề xuất, kiến nghị cơ chế phù hợp để đáp ứng được yêu cầu trao đổi hợp tác thông tin xuyên biên giới.
Ông Đỗ Hoàng Phong nhấn mạnh, đối với việc thu thập thông tin ngoài ngành, chúng tôi đã nỗ lực tìm giải pháp để trao đổi thông tin với một số đơn vị như EVN, VNPT, MobiFone, Mobivi… tuy nhiên vẫn còn một số rào cản như về vấn đề bảo vệ thông tin người sử dụng, cơ chế trao đổi thông tin phù hợp với quy định pháp luật.
Đối với việc trao đổi thông tin xuyên quốc gia - một trong những chỉ tiêu có thể bổ sung vào trong phương pháp đánh giá mới, hiện nay vẫn thiếu khung pháp lý chung cho hoạt động trao đổi thông tin. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có khu vực liên minh châu Âu (EU) là có quy định về trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên EU.
Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi thông tin tín dụng giữa các khu vực và quốc gia khác vẫn diễn ra theo sự hợp tác giữa các quốc gia với nhau, chưa có một quy định chung thống nhất. Tại mỗi quốc gia, môi trường kinh doanh khác nhau, hoạt động tín dụng và thông tin tín dụng tuân theo các quy định khác nhau và có những đặc thù riêng biệt.
Vì thế, một yêu cầu đặt ra là cần thiết phải xây dựng một Bộ quy tắc chung về Báo cáo tín dụng. Theo đó, các quốc gia trao đổi thông tin tín dụng xuyên quốc gia cần tuân theo Bộ quy tắc chung này nhằm giảm thiểu sự khác biệt trong hoạt động thông tin tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TTTD và thúc đẩy tín dụng.
Theo Hiệp ước Basel II, để hạn chế rủi ro kinh doanh của các TCTD và tăng cường hệ thống tài chính, mỗi TCTD nên xây dựng mô hình quản trị rủi ro để đo lường các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là rủi ro tín dụng.
Ngoài ra, việc kết hợp điểm số nội bộ và điểm số của một tổ chức TTTD trung gian là cách đánh giá khách quan, nhiều chiều về một khách hàng vay, giúp TCTD có quyết định đúng đắn trong việc cấp tín dụng/ngừng cấp tín dụng cho một khách hàng.
Năm 2015, CIC đã phối hợp với Tập đoàn NICE - Hàn Quốc, là tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc trong việc xây dựng các mô hình quản trị rủi ro và tư vấn giải pháp quản trị rủi ro, CIC đã xây dựng thành công mô hình chấm điểm tín dụng thể nhân cho khách hàng vay. Đây là mô hình tiên tiến, dựa trên xác suất thống kê, có tính trung lập và độ tin cậy cao. Điểm tín dụng khách hàng cá nhân thể hiện điểm số và mức độ rủi ro của một khách hàng cá nhân, kết hợp sự diễn giải cụ thể về điểm số và hạng trong tương quan với các mức độ rủi ro khác nhau.
Đối với các TCTD, điểm tín dụng được xem là công cụ hỗ trợ tổ chức cho vay đưa ra quyết định cho vay nhanh chóng, khách quan, với mức chi phí thấp.
Đối với khách hàng vay, CIC cung cấp miễn phí Điểm tín dụng thông qua Báo cáo quan hệ tín dụng của khách hàng vay 1 năm/lần để khách hàng vay có thể biết điểm số tín dụng và hạng rủi ro của bản thân, từ đó có phương án nâng cao điểm tín dụng để tạo cơ hội tiếp cận với các khoản tín dụng trên thị trường.
Trong năm 2016, CIC tiếp tục phối hợp với Tập đoàn NICE xây dựng lại mô hình xếp hạng tín dụng DN nhằm khắc phục những nhược điểm của mô hình hiện tại, áp dụng phương pháp xây dựng mô hình tiên tiến được sử dụng trên thế giới.
Chúng tôi tin tưởng rằng sau khi mô hình này hoàn thành, kết quả xếp hạng tín dụng của CIC sẽ được các TCTD sử dụng như là một kênh tham khảo tiêu chuẩn để đánh giá về mức độ rủi ro của khách hàng DN trước khi ra quyết định, đặc biệt cần thiết đối với các TCTD chưa có điều kiện xây dựng mô hình xếp hạng tín dụng nội bộ riêng, ông Phong kết luận.