USD giảm nhẹ so với đồng yên khi triển vọng chính trị của ông Abe bị che mờ
Theo đó, đồng yên tiếp tục nhích nhẹ 0,07% so với USD lên mức 106,35 JPY/USD, sau khi tăng 0,4% vào ngày hôm trước khi một vụ bê bối liên quan đến chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Bộ Tài chính Nhật thừa nhận hôm thứ Hai rằng đã làm thay đổi các văn bản liên quan đến việc giảm giá bán đất đai của nhà nước cho một nhà điều hành trường học có quan hệ với vợ của ông Abe.
Mặc dù ông Abe đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng ông hay vợ ông ủng hộ nhà điều hành tổ chức giáo dục Moritomo Gakuen - người đã mua mảnh đất nói trên với giá chỉ bằng 1/10 giá thị trường, song vụ vụ bê bối này có thể làm giảm tín nhiệm của ông Abe và làm tiêu tan hy vọng của ông về một nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong cuộc bầu cử vào tháng 9.
Từ đó cũng làm dấy lên mối nghi ngờ về việc tiếp tục duy trì chính sách kinh tế được gọi là Abenomic mà ông đã triển khai kể từ cuộc bầu cử vào năm 2012 để kéo nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát, trong đó bao gồm cả những nỗ lực để hạ giá đồng yên.
Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt khác ít thay đổi trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, khi các nhà đầu tư có tâm lý ngóng đợi số liệu lạm phát tại Mỹ sẽ được công bố vào khoảng 12h30 giờ GMT.
Dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, đã loại trừ giá năng lượng và thực phẩm tươi sống, tăng 1,8% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước, sẽ không thay đổi so với tháng 1.
Nếu số liệu chính thức cao hơn dự báo sẽ có thể đẩy tăng kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, nhiều hơn so với dự kiến đưa ra hỗi cuối năm 2017 là tăng 3 lần.
Theo các nhà kinh tế, Fed đã gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20-21/3 tới và lần tăng tiếp theo vào tháng 6 cũng được thị trường đặt cược rất lớn.
Tuy nhiên, các nhà kinh doanh cũng lưu ý rằng triển vọng tăng lãi suất của Mỹ, mặc dù về mặt lý thuyết sẽ là một yếu tố tích cực đối với đồng USD, song có thể đồng USD sẽ không tăng giá trên thực tế khi mà còn nhiều yếu tố khác đà đè nặng lên đồng tiền này.
Hiện đang nảy sinh một mối quan ngại lớn đó là việc áp thuế nhập khẩu nặng nề đối với thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến các đối tác thương mại lớn của Mỹ có những hành động trả đũa và điều đó sẽ gây tổn hại cho kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trump bất ngờ tuyên bố vào tuần trước rằng ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư nhờ kỳ vọng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ dịu lại.
Hiện, đồng euro giao dịch ở mức 1,2340 USD, tăng nhẹ 0,05%. Nhìn chung đồng tiền chung đã mất đà kể từ thứ Năm tuần trước khi Chủ tịch NHTW Châu Âu Mario Draghi có những phát biểu đầy thận trọng về nền kinh tế khu vực đồng euro.
Theo đó, mặc dù thừa nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở châu Âu, ông Draghi cho biết lạm phát khu vực vẫn còn yếu ớt và chủ nghĩa bảo hộ tăng lên là một rủi ro đối với kinh tế khu vực. Điều đó khiến cho các nhà kinh doanh nghĩ rằng ECB sẽ chậm tiến độ trong việc rút lại các gói kích thích của mình.