Vật liệu xanh vẫn gặp khó
Sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam, khi tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Vật liệu không nung trong đó có gạch không nung không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tận dụng tối đa nguồn phế thải công nghiệp khai thác đá, nhiệt điện… tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Gạch không nung nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa có thị trường |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tính toán, để sản xuất một tỷ viên gạch đất nung sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 150 nghìn tấn than và thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2… Trong khi, gạch không nung sử dụng nguyên liệu chủ yếu là xi măng, đá mạt, xỉ nhiệt điện... hầu như không gây tác động đến môi trường.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, CTCP Đầu tư Hồng Hoàng Hồng đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung theo công nghệ tự động hóa của Đức. Ông Trần Xuân Tùng, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, sau dây chuyền 1 có công suất 90 triệu viên/năm, DN tiếp tục triển khai dây chuyền 2 theo công nghệ ép tĩnh với công suất 45 triệu viên/năm, nâng công suất toàn nhà máy lên 135 triệu viên/năm, tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng…
Việc nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên đi vào hoạt động đã đáp ứng một phần nhu cầu xây dựng tại TP. Đà Nẵng và địa phương lân cận.
Ngay sau khi các sản phẩm gạch không nung mang thương hiệu Hồng Hoàng Hồng xuất hiện trên thị trường, một số công trình trọng điểm trên địa bàn đã đưa vào sử dụng. Trong đó, có thể kể đến Trung tâm phát triển thương mại điện tử Bộ Công Thương, Bệnh viện đa khoa Hải Châu…
Ông Nguyễn Đức Thành, Chỉ huy phó Công trình thuộc CTCP ACC 245, nhà thầu thi công Trung tâm phát triển thương mại điện tử Bộ Công Thương cho biết, gạch không nung Hồng Hoàng Hồng đa dạng về chủng loại, quy cách nên khi xây không phải chặt phá như gạch tuy-nel thông thường.
Về độ bền, tại hiện trường cho thấy chất lượng gạch tốt, khả năng cách âm, chống ồn, cách nhiệt tốt hơn so với loại gạch thông thường… Đặc biệt, theo tính toán của một số nhà thầu xây dựng trên địa bàn, sử dụng 1m2 gạch không nung so với 1m2 gạch nung kiểu truyền thống giá thành giảm từ 20 - 30%...
Theo ông Trần Xuân Đính, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, sử dụng gạch không nung có nhiều ưu điểm về giá thành, chất lượng và môi trường hơn hẳn gạch nung truyền thống. Với điều kiện ở Việt Nam, kể cả ngay tại thời điểm hiện tại cũng như tương lai, đá mạt, xỉ nhiệt điện... là những phế thải tương đối dồi dào, tạo điều kiện để phát triển gạch không nung.
Với nhiều ưu điểm, được tôn vinh là dòng sản phẩm xanh… nhưng gạch không nung vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Chủ trương phát triển gạch không nung, theo Quyết định 567/QĐ/TTg của Chính phủ là đảm bảo tỷ lệ gạch không nung đạt 20 - 25% vật liệu xây dựng vào năm 2015, đến năm 2020 đạt khoảng 30 - 40% đang đứng trước nguy cơ khó đạt.
Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, UBND thành phố cũng đã có văn bản khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, đưa gạch không nung vào sử dụng. Sở Xây dựng thành phố cũng ban hành nhiều công văn gửi đến chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thẩm tra, giám sát nhà thầu xây dựng trên địa bàn về triển khai quy định sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên, việc triển khai sử dụng dòng vật liệu xanh này vẫn gặp khó khăn.
Nguyên nhân chính khiến người dân chưa nhiệt tình với gạch không nung do thói quen sử dụng gạch nung đã có từ hàng trăm năm. Để người dân từ bỏ thói quen này không phải chuyện ngày một ngày hai có thể làm được.
Bên cạnh đó, việc thị trường BĐS đình trệ nhiều năm qua đã khiến các chủ đầu tư còn “thờ ơ” trong việc đưa vật liệu không nung vào các công trình. Mặt khác, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật gạch không nung chưa quy định cụ thể, nên những công trình sử dụng vốn Nhà nước còn lấn cấn, gặp khó trong khâu quyết toán…
Theo ông Trần Xuân Tùng, để phát triển sản phẩm gạch không nung thì ngoài những nỗ lực của DN đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo độ chính xác, đồng đều về quy cách sản phẩm, đa dạng mẫu mã và phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng… rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan. Trong đó, cần có giải pháp để khuyến khích người tiêu dùng, nhất là thông qua tuyên truyền trực quan bằng các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Đồng thời, Nhà nước nên khuyến khích về điều kiện đầu tư, vốn vay ưu đãi, bước đầu giảm các loại thuế, tạo điều kiện cho DN sản xuất vật liệu không nung; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá về năng lực các cơ sở sản xuất gạch không nung đạt tiêu chuẩn cũng cần đẩy mạnh nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với gạch không nung. Đặc biệt, cần xây dựng cụ thể hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật gạch không nung làm cơ sở quyết toán các công trình…