VEPR: Tăng trưởng kinh tế năm 2019 dự báo đạt 6,9%
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết trong năm 2018, Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất 11 năm, do sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Khu vực này trong năm 2018 xuất siêu khoảng 32,81 tỷ USD (tương đương 14% GDP). Điều này tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này. Mặt khác, nó cũng chỉ ra điểm yếu của nền kinh tế khi phụ thuộc vào khu vực FDI.
Đánh giá về các nhân tố tác động tích cực đến tăng trưởng hiện nay, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc.
Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này.
Đánh giá về dòng dịch chuyển sản xuất do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Báo cáo của VEPR nhận định, Việt Nam là một điểm đến sáng giá nhất do tính tương đồng về văn hóa và môi trường thể chế. Giá nhân công rẻ, khéo tay cùng với tình hình ổn định kinh tế - chính trị cũng là những lợi thế khác của Việt Nam.
“Để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước”, Báo cáo cho hay.