Việt Nam chưa chuẩn bị đầy đủ cho kinh tế số
Báo cáo đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế 2019: Kịch bản thứ nhất với tăng trưởng kinh tế 6,56% và lạm phát là 4,21%. Kịch bản thứ hai với tăng trưởng kinh tế 6,81% và lạm phát là 4,79%.
Báo cáo nhấn mạnh: Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, đang diễn tiến sâu sắc ở nhiều nước phát triển và diễn ra với tốc độ nhanh ở các nước đang phát triển.
Điều này đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó nhưng sự chuẩn bị còn thiếu đầy đủ.
Báo cáo đã đi sâu đánh giá và nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam, những xu thế chủ đạo đối với tương lai nền kinh tế số của Việt Nam cùng những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp và xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới.
Trong khi đó, ngay trong những tháng đầu năm 2019 này kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng chậm lại do động lực từ bên trong và bên ngoài thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế đang yếu dần.
Tại kịch bản thứ nhất dự báo tăng trưởng của nền kinh tế ở mức thấp 6,56%, xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra.
Kịch bản này có thể xảy ra khi các điều kiện kinh tế thế giới kém thuận lợi do tác động từ sự gia tăng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đem đến những sức ép mới khiến Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa khi cả Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam.
Ngoài ra, các nước khác cũng muốn chớp cơ hội từ cuộc chiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc nên việc Việt Nam tăng xuất khẩu sang hai thị trường này không phải là điều dễ dàng.
Kịch bản thứ hai là khả thi hơn với mức 6,81%, đạt mục tiêu của Quốc hội. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra, nhờ dư địa động lực tăng trưởng của 2018, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao năng suất của Chính phủ, thể hiện với mức tăng trưởng tương đối cao của các ngành chính gồm công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực chuyển mình trên lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều đó được thể hiện trong quý 1/2019 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước cao hơn của khối doanh nghiệp FDI. Đây là điều khác biệt so với xu thế nhiều năm trước bởi doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước.
Về mức giá chung, lạm phát cả năm 2019 được dự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và nhiều khả năng có thể lên tới 4-5%. Trong kịch bản đầu tiên, với hoạt động kinh tế chậm hơn dự kiến, lạm phát chỉ đạt mức 4,21%. Trong kịch bản thứ hai, lạm phát cả năm ở mức 4,79%, cao hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Nguy cơ lạm phát theo kịch bản thứ hai có thể xảy ra nếu có sự cộng hưởng từ cả sức ép lạm phát gia tăng đến từ bên trong và bên ngoài.
Trong nước, các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như điều chỉnh tăng giá xăng dầu đã được thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ gây áp lực lớn gia tăng lạm phát. Tính đến hết tháng 4/2019, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 2,93% (yoy) và đang trong xu hướng đi lên.
Trong khi đó, mức gia tăng này mới chỉ phản ánh một phần rất nhỏ tác động từ những điều chỉnh giá của Chính phủ do có độ trễ của chúng. Bên ngoài, giá dầu thô thế giới có thể tiếp tục tăng do những căng thẳng ở Trung Đông leo thang và nguồn cung thế giới được cắt giảm.
“Tăng trưởng nhanh và thay đổi cơ cấu trong những thập kỷ qua đã giúp Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, con đường đi lên từ vị thế thu nhập trung bình thấp đến vị thế thu nhập cao không được đảm bảo và cũng chẳng hề dễ dàng”, PGS.TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng của VEPR lưu ý.
Vì thế “Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo”, Viện trưởng, Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.